Hiệp định TPP - cú hích mạnh cho công nghiệp hóa của Việt Nam

02/03/2016 09:12 AM |

Việc mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh là cơ hội và thách thức để công nghiệp Việt Nam phát triển trong hội nhập.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ XXI. Tham gia TPP, việc mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ đó, sản xuất các sản phẩm công nghiệp có thể xuất khẩu sẽ trở nên đa dạng hơn cả về chủng loại và chất lượng.

TPP tạo cơ hội tiếp cận công nghiệp công nghệ cao

Phân tích của Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho thấy, Hiệp định TPP giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025. Đặc biệt, đối với ngành dệt may, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu.

Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Microsoft, LG... đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh, các mặt hàng gia dụng sử dụng công nghệ mới... Do đó, khi tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới.

Ngoài việc mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Thỏa thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các hàng may mặc Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác trong khu vực.

Nhiều sản phẩm công nghiệp có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)
Nhiều sản phẩm công nghiệp có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh đó, TPP cũng quy định các hàng hóa Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP. Điều này thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong đó chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia và ký kết các Hiệp định như TPP, FTA Việt Nam - EU.

Ông Hải cho rằng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 10.697 dự án còn hiệu lực, chiếm đến 53,6% dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam và động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp.

“Có một hạn chế là hiện nay nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn dựa phần lớn vào các doanh nghiệp FDI như điện thoại, đồ điện tử, da giày... Trong khi công nghiệp hỗ trợ còn chưa phát triển, khiến Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hải chỉ rõ.

Sản phẩm công nghiệp dễ bị kiện phòng vệ thương mại

Bên cạnh những thuận lợi lớn, Hiệp định TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn.

Đại diện Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, với các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo của Việt Nam như như ngành dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử hầu hết là những ngành có tỷ lệ gia công cao, do vậy, sản phẩm xuất khẩu chưa đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành và nền kinh tế. Việc chưa tự chủ về nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu còn đem lại những khó khăn khi xét các tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng để được hưởng lợi từ các FTA.

Các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập. Việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Để thích ứng với xu thế hội nhập khi tham gia TPP, ông Trần Thanh Hải nhận định cần có sự phối hợp giữa khu vực Nhà nước với doanh nghiệp để làm sao giải quyết khâu khó khăn, trở ngại liên quan các hàng rào phi thuế quan, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường bền vững, tránh được những tranh chấp thương mại, những vụ kiện thương mại, các vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp hay là các biện pháp tự vệ thương mại của các quốc gia là những nội dung mang tính sống còn đối với doanh nghiệp

Ngoài ra cần thiết có quy hoạch và có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo cơ sở hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành cần hỗ trợ, ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó xác định một số ngành công nghiệp chủ lực để tiếp tục tạo điều kiện phát triển, mặt khác đa dạng hóa mặt hàng, thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng, thị trường.

“Cần tăng cường phối hợp giữa các Hiệp hội ngành hàng tổ chức phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các vụ việc bị kiện phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp đỡ thiệt hại nhất. Hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi nhập khẩu gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”, ông Hải nhận định./.

Theo Nguyễn Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM