Hàng loạt sai phạm "lách luật" của Uber Việt Nam và các đối tác
Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM, 9 doanh nghiệp đối tác Uber đã có các hành vi vi phạm hành chính, một trong số các sai phạm là: Sử dụng phương tiện không thuộc quyền sử dụng hợp pháp để kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Giấy phép đăng kí kinh doanh của Công ty TNHH Uber Việt Nam cho thấy công ty này có trụ sở chính ở tòa nhà HYAT số 31A Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1 TPHCM, chủ sở hữu là Uber Inernational Holding B.V (Hà Lan), vốn điều lệ 4.120.000.000 đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Huy Hoàng (ngụ quận Tân Phú).
Báo cáo của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM tháng 1/2015, về việc chấp hành pháp luật chuyên ngành trong hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 9 doanh nghiệp hoạt động vận tải (đơn vị đối tác sử dụng phần mềm Uber) trên địa bàn TPHCM hé lộ cách thức lách luật của Uber các đối tác Việt Nam.
Cụ thể, điều khoản chung đối với các xe sử dụng dịch vụ Uber khi vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng là giá cước được tính theo giá do Uber quy định và được tính toán trên hệ thống của Uber (công ty chỉ cho thuê xe và không định giá cước).
Tổng số tiền mà hành khách phải trả chỉ được biết khi xe kết thúc hành trình (như đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi). Xe hoạt động không có hợp đồng vận tải và hành khách không được đàm phán giá cước trước khi thực hiện hành trình.
Uber sẽ thực hiện kết nối với hành khách đi xe và điều hành lái xe của công ty để thực hiện vận chuyển hành khách thông qua hệ thống phần mềm Uber và thu tiền cước của hành khách thông qua tài khoản của Uber.
Việc quyết toán theo hợp đồng được thực hiện thanh toán theo hàng tháng chuyển qua tài khoản của công ty tại ngân hàng và công ty sẽ xuất hóa đơn cho Uber với nội dung cước vận chuyển.
Khiếu nại của khách hàng do Uber tiếp nhận và giải quyết qua phần mềm. Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp đối tác không được Uber kí hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng.
Trách nhiệm của công ty đối với lái xe và xe cho công ty Uber thuê trong trường hợp xảy ra tai nạn sẽ do phía công ty chịu trách nhiệm, Uber không chịu trách nhiệm. Phía đối tác Việt Nam phải có nghĩa vụ đóng các loại thuế theo quy định.
Báo cáo thanh tra cho thấy:
Công ty Bali Lymousine cam kết cho Uber thuê 3 xe (loại 5 chỗ) và cho điều động bất kỳ xe nào trong 22 xe (loại 5 chỗ) của công ty, mỗi xe phải hoạt động 20 giờ/ngày. Uber thanh toán cho công ty là 160.000 đồng/giờ/xe. Tiền thuê xe được chi trả theo tháng.
Công ty TNHH du lịch dịch vụ Hân Hòa cam kết cho Uber thuê 8 xe (loại 4 chổ) nhưng chỉ xuất trình hợp đồng với Uber về việc cho thuê 4 xe còn 4 xe chỉ thỏa thuận bằng miệng, mỗi xe phải hoạt động 20 giờ/ngày. Uber thanh toán cho công ty 80% doanh thu trong ngày.
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hạnh Loan cam kết bằng miệng cho Uber thuê 1 xe. Uber thanh toán cho công ty 80% doanh thu. Tiền thuê xe sẽ được chi trả hàng tuần. Theo trình bày của công ty tính tới thời điểm kiểm tra công ty Uber chưa thanh quyết toán tiền cước vận tải cho công ty như thỏa thuận nêu trên vì vậy việc thanh quyết toán công ty không biết thanh quyết toán như thế nào.
Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải Khanh Lâm chỉ có 3 xe và ký hợp đồng thuê thêm xe của một công ty khác, tổng cộng là 16 xe (Hợp đồng này theo đoàn Thanh tra là không đúng theo quy định tại khoản 2 điều 45 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT). Sau đó sử dụng số xe để làm đối tác với Uber để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Công ty TNHH đầu tư thương mại vận chuyển du lịch Minh Hải hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có sử dụng phần mềm Uber nhưng không xuất trình được hợp đồng với công ty Uber chỉ xuất trình những điều khoản về đối tác. Về niêm yết; số lượng, chất lượng của phương tiện: do phương tiện đang hoạt động kinh doanh nên Đoàn không có điều kiện kiểm tra thực tế.
Công ty TNHH dịch vụ du lịch vận tải Minh Trân cam kết bằng miệng cho Uber thuê 02 xe (loại 07 chổ), mỗi xe hoạt động 20-30giờ/tuần. Uber thanh toán cho công ty 80% doanh thu. Tiền thuê xe sẽ được chi trả hàng tháng (nếu tiền thuê dưới 20 triệu đồng) hoặc theo hàng tuần (nếu tiền thuê trên 20 triệu đồng).
Công ty CP cơ khí ô tô Sao Việt cam kết cho Uber thuê 10 xe, mỗi ngày phục vụ 06 xe; mỗi xe phải hoạt động 12giờ/ngày. Công ty Uber thanh toán cho công ty 80% doanh thu. Tiền thuê xe được chi trả theo hàng tuần.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ngân Bảo Long cam kết cho công ty Uber thuê 03 xe (loại 7 chổ) nhưng không xuất trình được hợp đồng cho thuê xe. Mỗi xe phải hoạt động 12giờ/ngày. Công ty Uber thanh toán cho công ty 80% doanh thu trong ngày. Tiền thuê xe được chi trả theo hàng tuần.
Công ty Cổ phần Destra Sài Gòn có 5 xe được sử dụng để kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng có sử dụng phần mềm Uber, số xe này được thuê của cá nhân không có chức năng cho thuê tài sản. Các xe này có gắn phù hiệu xe hợp đồng của HTX DVDL Đại Việt. Khiếu nại của khách hàng sẽ phản ảnh cho đại diện công ty Uber qua số điện thoại 01217904445.
Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM, 9 doanh nghiệp nói trên đã có các hành vi vi phạm hành chính:
“Sử dụng phương tiện không thuộc quyền sử dụng hợp pháp để kinh doanh vận tải bằng ô tô”; “Sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mà chưa được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải hành khách và an toàn giao thông theo quy định; “Sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động theo quy định”; “Sử dụng người được giao trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định” ; “không có nơi đỗ xe theo quy định”.
Mức phạt cho mỗi hành vi vi phạm là từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức. Hình thức xử phạt bổ sung: buộc bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) 01 tháng.