Hai tháng cuối năm còn tới 60% vốn Nhà nước phải thoái

15/11/2015 21:17 PM |

Số vốn các tập đoàn, Tổng Công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn khoảng 60% tổng số trong kế hoạch.

Không hoàn thành kế hoạch

Tại hội nghị giao ban trực tuyến đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN diễn ra chiều 13.11 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong 10 tháng đầu năm, cả nước có 175 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó, 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Nếu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch.

Ban chỉ đạo cho biết, những đơn vị đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả trong việc sắp xếp lại doanh nghiệp là Bộ Công Thương, Bộ TNMT, Bộ TTTT và các địa phương Nam Định, Tiền Giang, TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Lắc, Gia Lai.

Về thoái vốn Nhà nước, trong 10 tháng năm 2015, cả nước thoái được 9.152,2 tỉ đồng, thu về 13.767,5 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng thoái 4.418,2 tỉ đồng, thu về 4.956,3 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, các tập đoàn, TCty phải hoàn thành thoái vốn ngoài ngành trong năm 2015. Ban chỉ đạo cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt.

Gấp rút tháo gỡ

Phát biểu tại hội nghị, các bộ và các địa phương nêu ra những khó khăn trong việc tái cơ cấu, như tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý. Song, không chấp nhận giải thích của các bộ, các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng những giải thích này là không thỏa đáng: “Có khó khăn thì báo cáo chúng tôi xử lý. Một số địa phương đưa lên chúng tôi đã xử lý rồi”.

Ban chỉ đạo theo đó yêu cầu các bộ ngành quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành cổ phần hóa, đặc biệt là các bộ và các địa phương thực hiện cổ phần hóa chậm như nêu trên. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu xác định nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp này, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo cụ thể, thời gian tới cần gấp rút điều chỉnh các chính sách liên quan để tạo cho cấp dưới chủ động hơn, bớt phải báo cáo lên trên. Ông cũng yêu cầu trong các tháng cuối năm quyết tâm triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thoái vốn có lộ trình, đề nghị những đơn vị nào có vốn ngoài ngành càng để càng lỗ, không thể xử lý được phải bán càng nhanh càng tốt. Liên quan đến cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TCty, ông đề nghị các bộ khi tách về lập tức đẩy mạnh phương án tự chủ.

Cùng chuyên mục
XEM