Giá thức ăn chăn nuôi thế giới dự báo tăng nhẹ, trong nước cao hơn khu vực 20%

27/07/2015 11:42 AM |

Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 1,6 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) - Bộ Công thương công bố Báo cáo thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 7/2015, dự báo tình hình tháng 8.

Tháng 7, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng nhẹ

Theo VITIC, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới trong tháng 7/2015 đảo chiều tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng giảm mạnh so với cùng tháng năm ngoái, do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu gia tăng.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào 50% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ các nước Argentina, Mỹ, Ấn Độ và Brazil…Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90%, còn khoáng chất, vitamin nhập khẩu hoàn toàn.

Biến động giá đậu tương, ngô, lúa mì và bột cá thế giới tính đến tháng 7/2015

Biến động giá đậu tương, ngô, lúa mì và bột cá thế giới tính đến tháng 7/2015

Do vậy, cùng với xu hướng thế giới, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước tháng 7/2015 ổn định đến tăng nhẹ: giá khô đậu tương tăng 100 đ/kg, lên 13.600 đ/kg; giá cám gạo ổn định, ở mức 5.900 đ/kg, giá ngô tăng 100 đ/kg, lên 5.550 đ/kg và giá bột cá dao động từ 18.000 đến 24.000 đ/kg tùy loại.

VITIC dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới tháng 8 sẽ tăng nhẹ, do nhu cầu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô, lúa mì…gia tăng, nhu cầu tiêu thụ thịt và sữa bình quân đầu người tại Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh và duy trì ở mức cao tại EU, Bắc Mỹ, Brazil và Nga.

Cùng với đó, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước tháng 8 sẽ tiếp tục tăng nhẹ. Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng bình quân từ 10-13%/năm. Việt Nam hiện là nước đứng đầu khối ASEAN và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

6 tháng, nhập khẩu tăng 4,39%

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải Quan Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 6/2015 đạt 260 triệu USD, giảm 35,16% so với cùng tháng năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 1,6 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam từ một số nước có kim ngạch tăng trưởng mạnh, dẫn đầu là Áo với hơn 28 triệu USD, tăng 5.415 % so với cùng kỳ; tiếp đến là Tây Ban Nha (21 triệu USD), Mexico (816 nghìn USD), Hà Lan (14 triệu USD).

Achentina là nước đứng đầu Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng trên. Trong 6 tháng, giá trị nhập khẩu đạt 637 triệu USD, chiếm 38% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là Brazil, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Italia và Ấn Độ...

Cần phá vỡ thế độc quyền của các doanh nghiệp FDI

VITIC dẫn số liệu từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho thấy, hiện cả nước có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó 180 nhà máy là của các DN trong nước, 59 là của các liên doanh và DN FDI. Mặc dù số lượng nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài không nhiều, nhưng lại đang chiếm 60-65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Ngược lại, khối tư nhân và khối nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhưng lại chỉ chiếm 35-40% trong tổng sản lượng.

Nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cũng cho thấy, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số ít DN FDI. Các DN này đã tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước. Đây chính là lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cao hơn 20% so với khu vực và khó cạnh tranh.

Ngoài ra, tổng giá trị thị trường chăn nuôi Việt Nam ước trên dưới 8 tỉ USD. Trong đó, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới hơn 2/3 giá trị thị trường (riêng nhập khẩu nguyên liệu mỗi năm khoảng 3 tỷ USD) và luôn tăng hàng năm, dù giá thế giới có giảm. VITIC ước tính với mức giá cao hơn khu vực khoảng 20%, nền kinh tế mỗi năm bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, do phải chịu chi phí thức ăn chăn nuôi cao, DN và người chăn nuôi trong nước đang bị dồn vào chỗ phá sản khi buộc phải trả chi phí đầu vào cao, sản phẩm giá rẻ, không thể cạnh tranh được do phí sản xuất của các DN FDI và của các nước trong khu vực rẻ hơn. Vì vậy, nếu không khẩn trương phá vỡ thế độc quyền của DN FDI trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thì số trang trại đóng cửa sẽ ngày càng nhiều.

Theo Khổng Chiêm

Cùng chuyên mục
XEM