Ghé thăm 15 nhà xưởng lớn nhất thế giới

10/02/2015 16:24 PM |

Các nhà xưởng bao gồm nhà máy sản xuất, nhà kho,... lớn nhất thế giới thường thuộc sở hữu của các tập đoàn có tên tuổi và sức ảnh hưởng xuyên quốc gia.

Walmart, tập đoàn sở hữu chuỗi siêu thị giảm giá khét tiếng tại Mỹ, có nhiều trung tâm phân phối quy mô lớn để phục vụ cho 11.088 cửa hàng của hãng. Trong khi, đối thủ của Walmart, Target, cũng có bốn trung tâm phân phối cực "khủng" chuyên chứa các mặt hàng nhập khẩu.

Tương tự, Hyundai và Volkswagen có những nhà máy ô tô lớn nhất thế giới, như một cách để cung cấp cho hai hãng những lợi thế cạnh tranh trong việc mở rộng và tăng sản lượng sản xuất ô tô.

Thông thường, những tổ chức và công ty có các nhà xưởng lớn nhất cũng đồng thời là những tập đoàn có tên tuổi và sức ảnh hưởng nhất trên thế giới. Dưới đây là 10 nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới và những cái tên phía sau chúng.

1. Nhà máy sản xuất Volkswagen tại Wolfsburg, Đức

Nhà máy  này đã sản xuất hơn 40 triệu xe trong những năm qua. Đây là nhà máy ô tô lớn nhất thế giới với diện tích sàn 6.500.000m². Nhà máy này lớn đến mức nhân viên được tự do sử dụng xe đạp để di chuyển xung quanh. Tại đây, các nhân viên có thể làm việc trên hơn 5 chiếc xe khác nhau tại cùng một thời điểm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng.

Nhà máy này đồng thời cũng sở hữu xưởng sơn nước nghệ thuật lớn nhất châu Âu, nơi đầu tiên sử dụng sơn nước thân thiện với môi trường.

2. Nhà máy của Hyundai Motor ở Ulsan, Hàn Quốc

Cơ sở sản xuất của Hyundai Motor ở Ulsan, thành phố miền nam Hàn Quốc chiếm một diện tích khổng lồ 5.050.000m² trên khu đất rộng 1.225ha. Nó có năm nhà máy sản xuất riêng biệt và cứ 12 giây lại có thể sản xuất ra một chiếc xe, tương đương với 1,53 triệu chiếc xe mỗi năm.

Nhà máy cũng có hẳn một bệnh viện riêng, dịch vụ cứu hỏa, hệ thống đường bộ, và nhà máy xử lý nước thải. Nhà máy này cũng có hơn 500.000 cây xanh và một bến tàu độc quyền với công suất neo đậu ba tàu chở hàng 50.000 tấn trong cùng một thời điểm.

3. Nhà bán đấu giá hoa Aalsmeer, Hà Lan

Đây là tòa nhà bán đấu giá hoa lớn nhất thế giới với diện tích 518.000m², dài 740m và rộng 700m.

Khoảng 25 triệu bông hoa từ các nước như Kenya, Colombia, Ethiopia và Ecuador được giao dịch ở đây hàng ngày. Hoa được kiểm tra chặt chẽ để hoàn thiện trước khi bán. Đặc biệt, doanh thu từ bán hoa tăng đáng kể trong những ngày lễ như Ngày của Mẹ và Ngày Valentine.

4. Nhà máy Tesla, California, Mỹ

Công ty Tesla của Elon Musk đã xây dựng nhà máy rộng 510.000 m² này để tập trung vào việc sản xuất xe điện và các thành phần hệ thống truyền động điện.

Tesla đã không xây mới nhà máy. Thay vào đó, hãng đã mua lại một nhà máy trước đây thuộc sở hữu của General Motors và Toyota, nơi được biết đến như một trung tâm chế tạo ô tô mới của Mỹ. Các sản phẩm Tesla Model S, Model 3, Model X, và Roadster đều được sản xuất tại nhà máy này.

5. Nhà máy Boeing ở Everett, Mỹ

Everett, Washington, Mỹ là nơi có cơ sở sản xuất và láp ráp Boeing lớn nhất trên thế giới. Nhà máy sản xuất Boeing tại đây có diện tích sàn lên tới 398.000m². Nó trải rộng trên  98,3 ha đất. Đây là nơi cho ra đời các máy bay Boeing 747, 767, và 777. Việc lắp ráp dòng máy bay mới nhất 787 Dreamliner cũng diễn ra ở đây.

Nhà máy được xây dựng từ năm 1966 sau khi Pan American World Airways đặt hàng 25 chiếc 747 trị giá 525 triệu USD.

6. Nhà máy Mitsubishi Motors Bắc Mỹ

Được thành lập vào năm 1981, Mitsubishi Motors Bắc Mỹ là cơ sở giám sát việc sản xuất, lắp ráp, bán hàng, nghiên cứu và phát triển của các thương hiệu xe hơi của Mitsubishi trên khắp các nước Mỹ, Mexico, vùng Caribbean và Canada thông qua một mạng lưới phát triển lên tới hơn 700 đại lý.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khu vực này, công ty đã xây dựng một nhà máy khổng lồ rộng 220.000m², chủ yếu sản xuất các dòng xe khác nhau như Mitsubishi Galant, Eclipse, Eclipse Spyder, Endeavor và Chrysler Sebring. Nhà máy khổng lồ này nằm ở Normal, Illinois, Mỹ.

7. Nhà máy Belvidere, Mỹ

Nằm tại Illinois, Mỹ, nhà máy Belvidere là nhà máy lắp ráp của nhãn hiệu Chrysler nổi tiếng với các dòng xe như Jeep Compass, Jeep Patriot và Dodge Dart và một số mô hình trong quá khứ như Dodge Caliber, Chrysler Imperial, Dynasty Dodge, Chrysler New Yorker và Plymouth Neon.

Nhà máy rộng 330.000m² , dài 700m và rộng 300m nằm trên tổng diện tích đất hơn 280ha. Nhà máy chủ yếu sử dụng lao động robot, với sức chứa khoảng 780 robot.

8. Nhà kho của Target, Mỹ

Với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ giảm giá lớn thứ hai tại Mỹ, Target đương nhiên cần đến những nhà kho hàng khổng lồ, trong đó, nhà kho lớn nhất của Target cho đến nay có tổng diện tích sàn lên tới 185.800m².

Nhà kho này được xây dựng nhằm phân phối các sản phẩm nhập khẩu đến các trung tâm phân phối nội bộ của hãng. Target hiện có 1.934 cửa hàng trên khắp Bắc Mỹ, ngoài kho hàng này Target còn có 3 kho hàng lớn khác.

9. Jean-Luc Lagardère Plant, Pháp

Nhà máy Jean-Luc Lagardère được sử dụng chủ yếu như nơi hoàn tất cuối cùng của dây chuyền lắp ráp Airbus A380 loại 800 chỗ ngồi.

Nằm ở Toulouse-Blagnac, dây chuyền lắp ráp này dài 470m với diện tích 122.500m².

Các bộ phận của máy bay Airbus A380 được sản xuất tại một số địa điểm như Tây Ban Nha, Anh, Đức và Pháp, sau đó được đưa đến Lagardère Plant Jean-Luc để lắp ráp.

10. Xưởng vải Lauma, Latvia

Nhà máy sản xuất vải Lauma chuyên sản xuất vải ren và các nguyên liệu để làm đồ lót. Ngoài ra, nó còn sản xuất băng đàn hồi và các loại vải khác. Lauma cũng được biết đến là một trong những công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp dệt may.

Nhà máy này có tổng diện tích 115.645m² với chiều dài 225m, rộng 505m.

11. Trung tâm phân phối Tesco, Ireland

Trung tâm phân phối này là tòa nhà lớn nhất ở Ireland. Khai trương vào năm 2007, nó có diện tích 80.194m², dài gần 1km và phải mất trung bình khoảng 12 phút để đi bộ từ đầu đến cuối.

Trung tâm phân phối của Tesco có tới 100 cửa bốc hàng và tiêu tốn chi phí xây dựng khoảng 70 triệu EUR.

12. Constellation Bristol, Anh

Constellation Bristol là kho rượu vang lớn nhất trên thế giới. Với diện tích hơn 76.500m², Constellation Bristol có thể chứa tới 9,5 triệu gallon rượu, tương đương với khoảng 14 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.

Hiện tại, nhà kho này đang chứa khoảng 57 triệu chai rượu vang, chiếm khoảng 15% tổng số rượu vang trên thị trường rượu vang Anh. Mỗi phút lượng rượu ra vào nhà kho này khoảng 800 chai, tương đương với 6 triệu chai mỗi ngày.

13. Aerium, Đức

Aerium là một nhà máy tái phát triển được xây lên với dự định ban đầu là một nhà chứa máy bay. Quân đội Đức quốc xã đã xây dựng nhà máy khổng lồ này trong những năm đầu Thế chiến II nhằm phát triển các cơ sở quân sự của họ.

Đến năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc Hồng quân Liên Xô đã chiếm giữ nó. Quân đội Liên Xô sau đó mở rộng đường băng từ 1.000m lên 2.500m để tăng diện tích chứa máy bay chiến đấu.

Năm 1994, sau khi nước Đức thống nhất, quân đội Liên Xô đã trao trả lại nó cho Chính phủ Đức. Hai năm sau đó, một công ty có tên CargoLifter đã mua lại nó để làm cơ sở sản xuất khinh khí cầu.

Tuy nhiên, 6 năm sau công ty này bị phá sản và nó lại được bán lại cho một công ty của Malaysia để xây dựng một công viên nhiệt đới.

14. Meyer Werft Dockhalle 2, Đức

Meyer Werft là một trong các công ty sở hữu nhà máy đóng tàu lớn nhất tại Đức.

Được thành lập vào năm 1795, đây là xưởng đóng tàu lớn nhất trên thế giới với diện tích sàn ấn tượng lên tới 63.000m², trong đó chủ yếu được sử dụng để đóng các tàu du lịch. Nhà xưởng lớn nhất trong quần thể nay có chiều dài 504m, rộng 125m và chiều cao 75m.

15. Nhà máy lắp ráp phương tiện của NASA, Mỹ

Nằm giữa Miami và Jacksonville, Mỹ, tòa nhà lắp ráp phương tiện của NASA được xây dựng vào năm 1966 để giúp cho việc lắp ráp các tên lửa Saturn V phục vụ cho các chương trình Apollo.

Nó có diện tích 32.374m² với thể tích 3.660.000m³ và chiều cao 160m, tọa lạc trên một khu đất rộng 8 mẫu.

Tòa nhà được xây dựng và lắp ráp từ hơn 98.000 tấn thép với 4 cửa chính cao tới 139m cùng 71 cần cẩu.

>> [Inside Factory] Bên trong nhà máy sản xuất máy bay Airbus A350

Theo Kiều Châu

Cùng chuyên mục
XEM