GDP đã lỗi thời ?

01/02/2016 14:12 PM |

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde, nhà kinh tế học đã đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, và giáo sư Erik Brynjolfsson tại học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đều cho rằng chúng ta cũng cần tìm ra một cách khác để đo lường sự phát triển.

Ba nhà kinh tế học hàng đầu tại Davos đã chia sẻ sự đồng thuận khi cho rằng GDP là một chỉ số không hiệu quả lắm để đánh giá sức khỏe các nền kinh tế và chúng ta cần nhanh chóng tìm ra một thước đo mới để thay thế.

Phát biểu tại các phiên họp khác nhau, tổng giám đốc IMF Christine Lagarde, nhà kinh tế học đã đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, và giáo sư Erik Brynjolfsson tại học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đều cho rằng chúng ta cũng cần tìm ra một cách khác để đo lường sự phát triển.

GDP của một nước là con số ước tính tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà nước này tạo ra. Nhưng ngay cả khi khái niệm này được đưa ra vào những năm 1930, tác giả của nó Simon Kuznets, cũng cảnh báo rằng đây không phải là một thước đo thích hợp để đánh giá sự phát triển kinh tế của một nước.

“Ông hiểu được rằng GDP không phải là một thước đo phúc lợi, nó không đo được thực trạng cuộc sống của chúng ta. Nó chỉ đếm những thứ ta mua và bán, nhưng GDP hoàn toàn có thể đi theo hướng ngược lại với phúc lợi”. Đó là chia sẻ của Brynjolfsson với những người có mặt tại một cuộc hội đàm.

Ngày nay, với sự thay đổi nhờ có cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thước đo này ngày càng ít khả năng phản ánh những thứ thực sự có ý nghĩa. Phát biểu tại một phiên họp khác, Lagarde cũng đưa ra nhận định tương tự: “Chúng ta phải xem xét lại GDP, cách tính toán năng suất và giá trị của mọi thứ - nhằm mục đích đánh giá, và có thể là thay đổi cách chúng ta quan sát nền kinh tế”.

Tất cả những phát biểu này đều làm vững chắc thêm luận điểm mà Stiglitz đã đưa ra vào đầu tuần này: “GDP của nước Mỹ tăng hàng năm, trừ năm 2009, nhưng đa số người Mỹ đều đang cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn so với 30 năm trước.

Lợi ích ngày càng nghiêng về thiểu số rất ít ở vị trí cao. Trong khi ở đáy, mức lương thực tế đã được điều chỉnh thấp hơn so với 60 năm trước. Vì vậy đây không phải là một hệ thống kinh tế có thể áp dụng cho số đông dân chúng”.

Một số người có thể đặt câu hỏi tại sao điều này lại có ý nghĩa với nhiều người? Đây không phải vấn đề đáng lo ngại cho các nhà kinh tế học hay các nhà hoạch định chính sách? Theo Stiglitz thì không: “Những gì chúng ta đo lường sẽ cho biết ta cần phải làm gì. Và nếu ta đo lường cái không đúng, thì ta chắc chắn sẽ chọn phải hướng đi sai lầm”.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM