Đừng nói về tác giả, hãy nói về con chim

10/02/2014 15:31 PM |

Trò chơi Flappy Bird đã bị “rút ống thở” bởi nhà phát triển Nguyễn Hà Đông. Nhưng ngay từ đầu nó không hề thở bằng dưỡng khí anh cung cấp, mà bằng khí quyển của cộng đồng.


Rất trùng hợp, trong cùng ngày mà Nguyễn Hà Đông quyết định sẽ gỡ Flappy Bird khỏi kho ứng dụng của Apple và Android, thì trên thảm đỏ của LHP Berlin, có một người xuất hiện với một chiếc túi giấy úp lên mặt. Trên chiếc túi giấy đó viết: “Tôi không còn nổi tiếng nữa”.

Đó là Shia LaBeouf. Anh úp túi giấy lên mặt và tuyên bố mình “không còn nổi tiếng nữa” không phải để trốn các rô bốt Transformer hay là tránh bị Mắt Đại Bàng theo dấu, mà là vì đang chịu một áp lực dư luận kinh khủng. Cách đây không lâu, LaBeouf tung ra một bộ phim ngắn, mà về sau bị phát hiện ra là đạo ý tưởng của một bộ truyện có từ trước đó rất lâu. Sau một hồi quanh co thì nam tài tử của Transformer xin lỗi tác giả.

Nhưng mọi chuyện chưa yên ở đây, khi vua hài Jim Carrey lôi vụ đạo văn của LaBeouf ra làm trò đùa khi dẫn lễ trao giải Quả cầu Vàng. Lời qua tiếng lại, LaBeouf chửi Jim Carrey một hồi rồi lại... xin lỗi. Sau một loạt những tai tiếng và trở thành tâm điểm của búa rìu dư luận, Shia LaBeouf quyết định rằng anh sẽ tránh ánh đèn flash bằng một cái túi giấy.
 

 Hãy gọi đó là “mâu thuẫn Shia”, như một khái niệm xã hội học mới. Rốt cục thì cái túi giấy ấy chẳng hề khiến cho tài tử Hollywood kia “không còn nổi tiếng nữa”, mà chỉ khiến anh gây nhiều sự chú ý hơn, dù là vô tình hay hữu ý. Nếu Shia muốn nói với dư luận rằng “hãy để tôi yên” thì anh đã thất bại hoàn toàn. Nếu Shia muốn gây thêm chú ý thì anh đã thành công.

Con chim ngỗ ngược Flappy Bird hôm qua cũng đã hành xử gần giống như Shia LaBeouf và cũng rơi vào “mâu thuẫn Shia”.

Không cần quan tâm đến mục đích cá nhân của tác giả Nguyễn Hà Đông, bởi có rất ít cơ sở để suy đoán (mọi suy đoán đều có thể gây thêm tổn thương cho anh nếu như anh đang thực sự tổn thương vì sự nổi tiếng của Flappy Bird). Nhưng Flappy Bird không chết. Nó vẫn tồn tại trong hàng chục triệu thiết bị, sẽ còn được download thêm bởi một người dùng Android ở mức trung bình cũng sẽ biết thừa rằng để cài ứng dụng thì chẳng cần đến kho ứng dụng của Google, tìm đâu trên mạng cũng có. Nó trở nên nổi tiếng hơn với quyết định gỡ bỏ của Đông.
 
 

Vấn đề là đời sống tiếp theo của Flappy Bird sẽ như thế nào?

Người ta biết rằng người Phần Lan đã nâng Angry Bird lên thành một thương hiệu quốc gia để thay thế cho sự tàn lụi của Nokia. Và Angry Bird sống cuộc đời của Angry Bird chứ bây giờ bảo đọc ra tên nhà thiết kế chính của nó thì hẳn nhiều người sẽ bí.

Vấn đề của câu chuyện, là người ta đang chú ý quá nhiều tới Nguyễn Hà Đông và thậm chí còn tìm cách trách móc một thế lực vô hình nào đó đang làm hại anh. Trong khi, giá trị thực sự mà Việt Nam có thể thu nhận, đến từ Flappy Bird, thứ vẫn đang sống sờ sờ.

Nếu người ta tiếp tục tranh cãi về việc thu nhập của tác giả là bao nhiêu, tại sao anh gỡ bỏ Flappy Bird, thì đơn giản là con chim ấy sẽ chết.
 
Nguyễn Hà Đông - tác giả của  Flappy Bird.

Trong khi thứ để nó tiếp tục sống khỏe mạnh và trở thành một “đại sứ” cho thương hiệu Việt Nam, đôi khi rất đơn giản như là một cuộc thi chơi game này, như một chuỗi cửa hàng điện thoại mới đây đã tổ chức. Nếu một tập đoàn tổ chức thi chơi Flappy Bird, nếu một đại gia Việt nào đó suốt ngày oang oang rằng muốn “đem sản phẩm tấn công thị trường Mỹ” tổ chức một sự kiện tương tự về Flappy Bird trên nước bạn, thì liệu có hữu ích hơn những cuộc luận chiến về tác giả? Còn rất nhiều thứ tương tự mà các chuyên gia marketing của Việt Nam thừa sức nghĩ ra. Không, ai cũng chỉ đang bình bàn về tác giả và tưởng họ đang làm điều gì tốt đẹp trên thương hiệu Flappy Bird.

Giờ này các hãng phim có hợp đồng với Shia LaBeouf đang làm gì? Họ đang thúc giục nhân viên PR viết bài mổ xẻ cái túi giấy, biên minh cho cá nhân Shia, hay là đơn giản, vẫn đang nghĩ ý tưởng tiếp thị bộ phim mà Shia LaBeouf đóng, và gián tiếp hưởng lợi từ scandal túi giấy thôi? 

 
Theo Đức Hoàng

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM