Doanh nghiệp nông lâm thủy sản đồng loạt than trời vì xuất khẩu gặp khó

13/10/2015 16:33 PM |

Các doanh nghiệp (DN) nông lâm thủy sản phản ảnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo trong ngắn hạn quý 4/2015 và đầu năm 2016 vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Ngày 12/10, tại TPHCM Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm và triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các tháng còn lại của năm. Tại đây, các doanh nghiệp (DN) nông lâm thủy sản phản ảnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo trong ngắn hạn quý 4/2015 và đầu năm 2016 vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Đồng loạt than trời

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư kí Hiệp hội cao su Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2015 kim ngạch XK cao su giảm 11,6% so với cùng kì do giá cao su trên thị trường thế giới giảm sâu.

Cùng với khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su còn gặp khó khăn về thuế vì mặt hàng cao su sơ chế để xuất khẩu vẫn phải nộp thuế GTGT. Công ty nào XK càng lớn thì nộp thuế càng nhiều đồng nghĩa với việc sẽ mất nhiều thời gian hoàn thuế. Việc này dẫn đến doanh nghiệp bị tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh.  

Cùng với đó, một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp cao su đang phải đối mặt là áp lực cạnh tranh về chất lượng các sản phẩm xuất khẩu ngày càng gay gắt, ảnh hưởng không nhỏ hoạt động của các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, mặc dù đã sắp bước vào vụ mới nhưng lượng cà phê tồn kho vẫn chiếm đến 1/3 tổng lượng cà phê xuất khẩu. Nguyên nhân là do giá cà phê của Brazil giảm mạnh. Việc Brazil giảm đến 70% và ồ ạt bán hàng ra khiến cho cà phê của Việt Nam không bán được dẫn đến tồn kho tăng cao.

Cũng liên quan đến khó khăn về thị trường, ông Nam cho biết, mặc dù phần lớn các thị trường trên thế giới đều là thị trường tiêu thụ, tuy nhiên, một số thị trường lại mang tính đầu cơ, điển hình như thị trường Singapore, Dubai, Trung Quốc. Khi nguồn cung thiếu hụt các nước này sẵn sàng phá giá để ồ ạt mua hàng của Việt Nam.

Tuy nhiên, các nước này thường mua theo hình thức trả chậm hoặc thanh toán sau nên khi lượng tồn kho quá lớn họ sẽ ép giá hoặc tìm cách trả lại hàng dẫn đến rủi ro cho DN. Một số thị trường khác tuy có tiềm năng như thị trường Nga, Ai Cập nhưng lại gặp khó khăn về vấn đề thanh toán nên doanh nghiệp cũng chưa khai thác được.

Đại diện Hiệp hội hồ tiêu, ông Trần Đức Tụng - Tổng Thư ký hiệp hội cho biết, trước khi vào mùa thu hoạch, các nhà đầu cơ thường tung nhiều chiêu trò để ép giá, ém cung. Trong thời gian qua, hồ tiêu là ngành hàng hiếm hoi vẫn đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu. Trong 3 quý đầu năm, sản lượng xuất giảm 20% nhưng kim ngạch không thay đổi, đã đạt trên 1 tỷ USD. Theo số liệu Bộ Công thương thống kê là ngành tiêu đã xuất được 120.000 tấn, và giá bán tăng 20%.

"Từ 2007 đến nay, giá tiêu ở năm sau luôn cao hơn năm trước. Làm được như vậy là nhờ người nông dân tham gia vào cân đối cung cầu cho thị trường. Xác định thông tin vô cùng quan trọng, nên  Hiệp hội đã tìm hiểu để nắm mọi thông tin của từng nước.

Trên thế giới có 8 nước sản xuất hồ tiêu chính chiếm sản lượng 80% sản lượng toàn cầu, và Việt Nam chiếm 30% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trên 50%. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành không phân biệt FDI và  trong nước, mọi người “chơi bài ngửa với nhau” và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh", ông Trần Đức Tụng chia sẻ

Theo ông Lê Văn Quang - Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, trong 9 tháng đầu năm 2015, mặt hàng tôm xuất khẩu của Công ty giảm gần 30% so với cùng kì 2014. Trong đó thị trường Mỹ giảm gần 48%, Nhật giảm 20%, EU giảm 18,5%. Nguyên nhân XK tôm sụt giảm là do một số nước XK trong khu vực phá giá mạnh đồng nội tệ. Điển hình như  Malaysia phá giá 33%, Ấn Độ 22%, Thái Lan 18%...

Do đó, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam tại Nhật, Mỹ, EU đều cao hơn các nước khác khoảng 20%. Ngoài khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm còn gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với hàng rào kĩ thuật của các nước XK.

Nhiều nước XK cố tình vi phạm các cam kết tại các Hiệp định song phương và đa phương để bảo hộ cho hàng hóa trong nước gây khó khăn cho các nhà XK. Bên cạnh đó cùng với việc giảm thuế theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, hàng loạt các rào cản kĩ thuật lại được đưa ra khiến cho DN XK của Việt Nam phải tốn thêm rất nhiều chi phí  mới vào được thị trường.

Dự báo chưa khả quan trong ngắn hạn

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, không phải Chính phủ thiếu trách nhiệm, không quan tâm DN mà muốn làm việc với các thị trường cần phải có dữ liệu đầy đủ. Đồng thời, trong các vấn đề Bộ công thương không thể đứng ra làm 1 mình mà cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành. Bản thân DN cũng cần kết nối với cơ quan quản lý để tạo nguồn cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ.

Theo ý kiến của Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, mặc dù các FTA mở ra thêm cơ hội, nhưng như thách thức cũng rất quyết liệt. Vì vậy, nếu không có giải pháp sớm thì DN sẽ gặp thách thức nhiều hơn cơ hội. Do đó, vai trò của Nhà nước cần rõ nét hơn nữa. Vì có những vấn đề DN tự làm được, nhưng cũng có việc cần sự góp sức của Nhà nước.

Tiếp đó, như phản ánh của DN, vai trò của Hiệp hội cũng cần đẩy mạnh hơn. Đơn cử như ngành cá tra, hiệp hội đã có nhưng các DN chưa nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của Hội. Thậm chí vấn đề phá giá lẫn nhau cũng không giải quyết được, liên kết cũng chưa làm được.

Trong quý 4/2015 này và cả đầu năm 2016, tình hình thị trường vẫn chưa có nhiều biến chuyển theo hướng khả quan. Vì vậy, DN cần nỗ lực hơn nữa. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, DN hãy tận dụng các ưu đãi trong các FTA để khai thác cơ hội từ các thị trường.

Mặc dù, trong thời gian gia xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam có ký FTA có tăng trưởng như Hàn Quốc, Chile, nhưng nhìn chung khai thác ở các thị trường FTA khác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và kỳ vọng. Bộ Công thương dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2015 này đạt từ 165 -166 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM