Diện tích nuôi tôm càng nhiều rừng ngập mặn, tôm càng được mua với giá cao

27/05/2015 13:23 PM |

Đây là động thái cụ thể của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam trong việc góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Một doanh nghiệp đã đưa ra yêu cầu: Nếu diện tích nuôi tôm của người dân có 10 - 20% rừng ngập mặn, họ sẵn sàng mua tôm với giá cao hơn”, ông Kim Văn Chinh – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp – chia sẻ tại hội thảo khởi động Đề án Xây dựng báo cáo thường niên về Biến đổi khí hậu diễn ra sáng 27/5.

“Đấy là hành động cụ thể của doanh nghiệp trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang muốn thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp vì doanh nghiệp là nhân tố định hướng thị trường, đưa ra các sản phẩm xanh, sạch”.

Ông Chinh cho biết, Việt Nam đã được công nhận là nước có thu nhập trung bình, nên các nguồn tài trợ của nước ngoài đang giảm dần. Vì vậy, chúng ta phải dựa vào nội lực – nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp.

“Vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương cũng cần làm rõ. Chúng ta đang dành 1% GDP cho các hoạt động bảo vệ môi trường, sắp tới là 2%. Nhưng khi chuyển ngân sách xuống địa phương, khoản ngân sách này có được sử dụng đúng mục đích hay không, mục tiêu phát triển bền vững có đạt được hay không, hay địa phương lại sử dụng khoản này phục vụ cho các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của họ?”, ông Chinh nói.

Do đó, ông Chinh đề xuất đưa 2 khối nói trên – khối Nhà nước, chính quyền địa phương và khối doanh nghiệp – vào báo cáo thường niên về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Chia sẻ về tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ThS. Ngô Công Chính – Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) – cho biết, giờ mới tháng 5, thời tiết đã rất nóng. Ông Chính cũng chia sẻ về chuyến đi thăm Kiên Giang cách đây 1 tuần và nhận được sự phản ánh của người dân về thời tiết cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa rồi ở Đồng bằng sông Cửu Long, nắng rất bất thường, nhiệt độ rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của người dân, đặc biệt các hộ nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm theo hình thức quảng canh.

“Những hộ gia đình đó không áp dụng cơ chế làm mát cho khu nuôi tôm, nên việc tôm chết hàng loạt xảy ra rất nhiều ở các mô hình nuôi tôm quảng canh. Đấy là tín hiệu mà biến đổi khí hậu toàn cầu không còn là xa lạ”, ông Chính nói.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2010), Việt Nam nằm trong số những quốc gia hàng đầu trên thế giới dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Vị trí địa lý, địa hình phức tạp và bờ biển dài làm cho Việt Nam là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên thế giới. Biến đổi khí hậu với sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan làm cho hậu quả của thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn và khó dự đoán hơn, gây nhiều tổn thất cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước.

Trong bối cảnh đó, đề án xây dựng báo cáo thường niên về Biến đổi khí hậu được Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phê duyệt và giao cho Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) – thành viên của VUSTA – là đơn vị thực hiện chính. Đây là báo cáo về biến đổi khí hậu thường niên lần đầu tiên do một tổ chức độc lập trong nước nghiên cứu và xuất bản.

Báo cáo số 1 dự kiến được xuất bản vào giữa năm 2016, với Chủ đề: “Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Góc nhìn từ cộng đồng”, nhằm tổng kết những khó khăn, cơ hội và thách thức của Việt Nam trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề quan trọng của năm đó và/hoặc có vai trò quan trọng trong những năm tiếp theo.

5 ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tới Việt Nam

Theo GS. TSKH. Trương Quang Học – giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, biến đổi khí hậu gây ra 5 ảnh hưởng nghiêm trọng, gồm:

1- Nhiệt độ trung bình tăng, cộng với đó là sự bất thường của thời tiết, khí hậu. Hiện thời tiết nóng lạnh rất bất thường thay vì tuần tự xuân, hạ, thu, đông như trước kia.

2- Nước biển dâng: Do băng tan cộng với sự giãn nở của nước biển làm nước biển dâng lên. Một hệ quả của nước biển dâng là xâm nhập mặn. Khi nước biển dâng, nước trong ruộng đồng giảm xuống, nước mặn tràn vào sâu trong nội địa và gây xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn xảy ra thì tất cả hoạt động ở nước ngọt phải thay đổi cho phù hợp.

3- Thiên tai: Hạn hán, lũ lụt, nắng nóng, rét hại xảy ra với cường độ và tần suất gia tăng.

4- Tài nguyên nước: Sẽ bị suy thoái một cách rõ rệt. Thiếu nước là một viễn cảnh rất rõ ràng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

5- Sức khỏe: Với bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều bệnh mới xuất hiện, nhiều bệnh cũ quay trở lại, nhiều bệnh từ nơi khác đến, đặc biệt là sau lũ lụt.

“Biến đổi khí hậu tác động tới tất cả mọi lĩnh vực, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Đối với Việt Nam, theo tôi, nông nghiệp chịu tác động nặng nề nhất vì nông nghiệp Việt Nam vẫn là nông nghiệp truyền thống, dựa vào thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, nên khi thời tiết thay đổi, nông nghiệp bị tác động mạnh nhất” – GS.TSKH Học cho biết.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM