Đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam giảm mạnh, vì đâu nên nỗi?

07/04/2015 14:03 PM |

Nếu lúc trước chỉ cần đầu tư 100 đồng thì nay cần đến 150 đồng khiến nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỉ giá cải thiện..

Lũy kế đến tháng 3 năm 2015, Nhật Bản xếp thứ 2/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hiện có 2.584 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 37,37 tỷ USD, chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Tuy nhiên, tính riêng quý 1 năm 2015 Nhật Bản chỉ xếp thứ 3/33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và BritishVirgin Islands.

Nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký cấp mới và tăng vốn cho 81 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 295 triệu USD, mặc dù tăng 13 dự án nhưng lại giảm tới gần 30% về giá trị vốn so với cùng kỳ năm ngoái (quý 1 năm 2014 đạt 414 triệu USD).

Việc Nhật Bản, đối tác lâu năm cắt giảm đầu tư vào Việt Nam gây ra nhiều mối lo ngại, nhưng cũng là điều tất yếu. Số liệu từ năm 2012 cho thấy rằng, hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đã suy giảm vì những khó khăn kinh tế tại Nhật Bản và vì sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cấp mới và tăng thêm của Nhật những năm gần đây (Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài)

Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cấp mới và tăng thêm của Nhật những năm gần đây (Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài)

Ngoài ra, đồng yen mất giá cũng ảnh hưởng đến dòng vốn từ Nhật Bản, khiến Chính phủ Nhật Bản tăng chi tiêu công và mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư ngay ở thị trường nội địa.

Ông Yasuzumi Hiro, Giám đốc điều hành JETRO tại TP HCM chia sẻ: Đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam giảm chủ yếu do đồng Yên mất giá trị so với đồng USD. Nếu lúc trước chỉ cần đầu tư 100 đồng thì nay cần đến 150 đồng khiến nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỉ giá cải thiện.

Các số liệu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản cũng chỉ rõ xu hướng giảm đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2014, chỉ có 436 dự án đầu tư của Nhật Bản được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Nhận xét về vấn đề này, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc vốn đầu tư từ Nhật Bản giảm cũng nằm trong xu hướng giảm chung của dòng vốn FDI trong quý 1/2015. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước ước thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Để lý giải tại sao dòng vốn FDI lại sụt giảm mạnh đến vậy, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: "Các doanh nghiệp đang trong khuynh hướng chờ đợi luật mới, hy vọng môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn khi luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015".

>> Kinh tế Nhật Bản: Abenomics – 'Canh bạc tất tay'

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM