Đầu năm 2015 sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

12/11/2014 18:13 PM |

Tuần tới, đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục sang Brussels – Bỉ với mục tiêu kết thúc việc đàm phán và tiến tới ký kết vào đầu năm 2015.

Thông tin trên được ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn đoàn đàm phán Chính phủ về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU - đưa ra tại Hội thảo Khai trương dự án Năng lực Thương mại Việt Nam - Tọa đàm về tác động của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng 12/11.

20/11 tới đoàn sẽ bay sang Brussels tiếp tục đàm phán với mục tiêu kết thúc việc đàm phán và ký kết vào đầu năm 2015” – ông Trương Đình Tuyển cho biết.

Theo ông Tuyển, đây là hiệp định thế hệ mới, mở cửa thị trường hết sức toàn diện. Theo khung đàm phán FTA với EU, ông Tuyển lưu ý chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng bao hàm.

Cụ thể, bảo đảm bình đẳng giữa mọi doanh nghiệp, đặt DNNN vào cạnh tranh bình đẳng. Nhà nước không ưu đãi cho DNNN, không cấp vốn, xóa nợ, bảo lãnh cho DNNN; Cấm bù chéo trong DNNN. DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền khi kinh doanh lĩnh vực có cạnh tranh cũng phải điều chỉnh bởi chương này. Phạm vi điều chỉnh chính sách này áp dụng cho cả DNNN trung ương và DNNN địa phương.

Yếu tố bao hàm thứ hai là mua sắm công. Tất cả các loại mua sắm công hoặc do cơ quan Nhà nước mua sắm đều phải đấu thầu.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về thể chế và khiếu kiện rất nghiêm ngặt. Những điều này dòi hỏi cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp nắm rất chắc hiệp định”, ông Tuyển khuyến nghị.

Hiệp định FTA Việt Nam – EU, bên cạnh việc đem lại lợi ích cho Việt Nam từ việc loại bỏ thuế quan khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, còn tác động lên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, ông Jean Jacques Bouflet – Tham tán Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam nhìn nhận.

Việc cắt giảm thuế xuất khẩu sang EU sẽ tạo động lực chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam để hướng tới xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang EU. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt đối với những người sản xuất sản phẩm trung gian và các thành phần được bao gồm trong sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và thị trường nước ngoài khác”, ông Jean nói thêm.

Tại hội thảo, dự án Năng lực Thương mại Việt Nam (TCV) cũng được công bố. Đây là một trong 6 tiểu dự án trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu tại Việt Nam cho giai đoạn 2014- 2017. Dự án có tổng ngân sách là 525.000 Euro, kéo dài 3 năm.

Một trong ba mảng hoạt động chính của dự án là thiết lập mạng lưới hạt nhân thương mại với tổng số trên 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp Việt Nam với EU. Đồng thời tạo một kênh thông tin có hệ thống tới Chính phủ nhằm phản ánh kịp thời những rào cản, vướng mắc thương mại để góp tiếng nói với Chính phủ trong việc điều chỉnh chính sách kịp thời.

EU là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 21,3 tỷ Euro năm 2013. Trong khi 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là sang thị trường EU, thì 13% hàng nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ EU và ngày càng tăng theo thời gian. Hiệu ứng ròng trong cán cân thương mại đã làm thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam với khoảng 39% mỗi năm.

Xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại di động, giày dép, đồ gỗ, thủy sản đông lạnh và cafe, trong khi nhập khẩu từ EU chủ yếu máy bay, tàu du lịch, xe có động cơ và hàng hóa sản xuất.

>> Chuyên gia EU mách kế giúp doanh nghiệp Việt vào thị trường châu Âu

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM