Đang có một làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc và Thái Lan, chuyển sang Việt Nam để tận dụng TPP

15/01/2016 14:37 PM |

Sự thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn.

Cơ sở sản xuất mới

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, các tập đoàn đa quốc gia mở rộng hoạt động ra toàn cầu khiến cho đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

Không những thế, sự thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, nên các nước ASEAN, trong đó nổi lên là Việt Nam đang trở thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, Tây Âu, Nhật và Trung Quốc.

Ngoài ra, chuỗi sản xuất toàn cầu đang dần dịch chuyển đầu tư sản xuất một số khâu trong chuỗi giá trị từ Trung Quốc và Thái Lan sang Việt Nam.

“Chiến lược Trung Quốc + 1” và “Chiến lược Thái Lan + 1” đang được các công ty đa quốc gia theo đuổi để tìm một nước ngoài Trung Quốc nhằm tránh xu hướng tiền lương nhân công đang gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia này, nhưng nước này lại đủ gần để có thể xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc hay Thái Lan.

Với tiêu chí đó, cùng với việc Việt Nam đã gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong thời gian quan, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ các đầu vào nguyên liệu và bán thành phẩm nhập từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU, và Nhật Bản. Chuỗi này đang được xác lập nhanh chóng cho Việt Nam.

“Tuy nhiên, mô thức tham gia vào chuỗi của Việt Nam hiện nay là khác so với quốc gia khác khi họ tham gia gần như toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết, đến lắp ráp và phân phối” - TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.

Trong đó, Việt Nam chỉ tham gia một khâu cụ thể, ở điểm cuối của chuỗi, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác và phụ thuộc vào sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu đi sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.

Dòng vốn dịch chuyển

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trung bình giai đoạn 2011-2014, FDI giải ngân tại Việt Nam đạt khoảng 11 tỷ thì trong năm 2015, FDI giải ngân tăng lên đến 14 tỷ USD (mức cao nhất trong 10 năm gần đây), với FDI đăng ký vẫn duy trì trên 20 tỷ USD hàng năm.

Nguyên nhân của sự gia tăng này là do triển vọng kinh tế đang phục hồi, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện nhất định. Nhưng quan trọng hơn, đây là sự đón đầu các cơ hội từ rất nhiều các hiệp định thương mại và đầu tư tự do mà Việt Nam đã ký kết và sắp sửa thực thi như TPP, FTA với EU, FTA với Hàn Quốc, đồng thời là thành viên chính thức của AEC từ cuối năm 2015.

Xu hướng này cũng phản ánh chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó Việt Nam được coi là điểm cuối, thay thế Trung Quốc trong tương lai gần.

Mới đây, các doanh nghiệp Thái Lan cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường này sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Singapore và Malaysia để hưởng lợi từ TPP.

“Điều này không chỉ cắt giảm đầu tư ở Thái Lan mà còn tăng cường sự cạnh tranh giữa hàng hóa Thái và hàng hóa từ các nước tham gia TPP” – Ông Vallop Vitanakorn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết.

Trên thực tế, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan có xu hướng chuyển vào Việt Nam, Malaysia, Singapore, mà chính các đại gia của nước này cũng đang chuyển hướng đầu tư. Từ đầu năm 2015, nhiều đại gia của Thái Lan đã tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Giữa tháng 1/2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Trước đó, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan đã ngỏ ý muốn chi khoảng 40% cổ phần của Sabeco với mức giá được đưa ra là 80.000 đồng/cổ phiếu.

ThaiBev nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi – người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản lên tới 11,3 tỷ USD. Chính tỷ phú này cũng đứng đằng sau thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 875 triệu USD.

Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã chi mạnh tay để là nhà đầu tư chính vào Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với giá trị lên tới 22 tỷ USD. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm.

Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn, Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện đại hóa công nghệ và nâng cao năng suất lao động...

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM