Đắk Lắk: Lâm tặc tàn phá tan hoang rừng sinh thái Bản Đôn
Hiện nay, hơn 1.300ha rừng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk do Công ty Cổ phần thương mại-Du lịch Bản Đôn quản lý, bảo vệ và phục vụ khai thác du lịch sinh thái đang bị tàn phá tan hoang.
Những ngày trung tuần tháng 10, chúng tôi vào rừng Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn, trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và đã mục sở thị việc lâm tặc tàn phá rừng.
Vì có "thổ địa" dẫn đường nên không khó để chúng tôi tìm ra những vị trí lâm tặc khai thác gỗ.
Mới chỉ đi dọc theo con đường lát đá phục vụ khách du lịch đạp xe tham quan rừng, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ. Phần thân đã được lấy đi, còn lại cành ngọn nằm chỏng chơ chắn ngang đường.
Tiếp tục theo những lối mòn đi vào sâu trong rừng, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, chúng tôi nhẩm tính có tới vài chục cây gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ. Đây là những cây gỗ thuộc loại đang có giá bán cao trên thị trường như giáng hương, căm xe, ca chit, gáo vàng…
Chỉ một số ít cây được đánh dấu, còn lại do mới bị khai thác nên lực lượng bảo vệ rừng chưa kịp phát hiện. Có những cây gỗ đường kính khoảng 1,3m, mới bị lâm tặc cắt hạ, lá còn tươi, ở gốc nhựa ứa ra đỏ quạch...
Theo lời người dẫn đường, trước đây lâm tặc khai thác ở trên đồi (cùng Khu du lịch) nhưng trên đồi giờ đã hết cây to và quý nên chúng mới tràn xuống. Chúng tận diệt cả những cây non, đào cả gốc những cây cổ thụ đã khai thác trước đó, miễn là tiêu thụ được.
Trước đây, lâm tặc dùng xe cày (công nông độ chế) để vận chuyển gỗ, nhưng gần đây, do lực lượng chức năng làm căng nên chúng chuyển sang dùng xe máy độ chế để vận chuyển.
Các nhánh đường trước phục vụ du khách khám phá rừng khộp thì nay trở thành con đường vận chuyển gỗ từ khu sinh thái ra ngoài.
“Có những hôm lâm tặc vào đây khai thác gỗ còn nhiều hơn khách du lịch. Với kiểu khai thác tận diệt nhưng thế này, chẳng mấy chốc mà khu rừng này bị xóa sổ,” người dẫn đường cho chúng tôi đau xót chia sẻ.
Đi tìm câu trả lời vì sao rừng sinh thái ở khu du lịch Bản Đôn lại bị tàn phá như vậy, chúng tôi tìm đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Krông Na Y, Thông Khăm Niê Kđăm.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Krông Na bức xúc cho biết tình trạng 1.360ha rừng giao cho Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn khai thác du lịch từ năm 2005 đến nay, nhưng bị buông lỏng quản lý, dẫn tới bị lâm tặc khai thác ồ ạt đã diễn ra lâu nay.
Trước đây, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Đắk Lắk làm chủ quản cũng bị khai thác, một số vụ đã bị khởi tố. Từ năm 2013 đến nay, do Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn quản lý thì tình trạng khai thác trái phép càng phức tạp hơn.
Riêng năm 2013 đến nay, Công an xã Krông Na đã phát hiện và bắt 13 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có một vụ vi phạm quy mô lớn đang được các công ty chức năng khởi tố hình sự.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Krông Na cũng kiến nghị, trong trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn không quản lý nổi 1.360ha rừng sinh thái thì Ủy ban Nhân dân tỉnh nên thu hồi để bàn giao cho đơn vị khác quản lý.
Còn ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, diện tích rừng ở Khu du lịch văn hóa-sinh thái Bản Đôn đang bị tàn phá nghiêm trọng và rất khó bảo vệ.
Rừng được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Đắk Lắk để bảo vệ và kinh doanh du lịch. Khi đơn vị này làm ăn thua lỗ nên đã bỏ ngỏ việc quản lý, bảo vệ khiến khu rừng như vô chủ.
Do trở thành điểm nóng phá rừng nên đoàn liên ngành của huyện Buôn Đôn đã từng phải đưa lực lượng xuống đây chốt chặn mấy tháng, lâm tặc vào rừng giảm hẳn, nhưng khi lực lượng này rút đi thì tình trạng phá rừng lại tiếp diễn.
Năm 2005, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Đắk Lắk hơn 1.300ha rừng để vừa quản lý, bảo vệ vừa kinh doanh du lịch sinh thái.
Vài năm trở lại đây, đơn vị làm ăn èo uột nên cũng “ngó lơ” công tác quản lý, bảo vệ rừng. Rừng vô chủ, dẫn tới bị khai thác trái phép theo kiểu tận diệt mà không ai chịu trách nhiệm.
Thiết nghĩ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc, xử lý quyết liệt để cứu hơn nghìn ha rừng có giá trị du lịch và sinh thái.
Theo Anh Dũng