Đại gia công nghệ và bài toán tái chế rác thải

27/05/2015 08:32 AM |

Vietnam Recycling Platform (Nền tảng Tái chế Việt Nam) - một liên minh về các chương trình tái chế rác thải đã được thành lập. HP và Apple đã triển khai chương trình thu hồi và tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam. Trong bối cảnh các sản phẩm công nghệ dẫu hư hỏng vẫn không được xem là rác thải như ở Việt Nam, liệu liên minh này có làm nên chuyện?

Từ đầu năm 2015, trên lý thuyết, các quy định về thu hồi và xử lý rác thải điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm điện tử thải bỏ như: ắc-quy, pin, bóng đèn máy vi tính, màn hình, máy in, máy fax, máy scanner, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu DVD, VCD, CD... cho nhà xử lý.

Cũng theo quy định này, trách nhiệm xử lí khối rác thải điện tử là của các doanh nghiệp (DN) làm ra nó. Nghĩa là, các DN sản xuất và nhập khẩu những thiết bị này sẽ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi, thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ, xử lí để tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy...

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chưa có thông tư hướng dẫn nên quy định về thu hồi và xử lý rác thải điện tử tại Việt Nam vẫn còn... nằm trên giấy.

Theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ môi trường, lượng chất thải điện tử tại Việt Nam đang ngày một tăng cao do sự phát triển và nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, điện tử ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế đáng lo ngại là nhận thức của người dân về rác thải điện tử vẫn còn rất hạn chế.

Bà Monina de Vera - đại diện HP cho biết, không riêng Việt Nam mà ở các quốc gia Đông Nam Á, việc thu gom rác thải điện tử rất khó triển khai. Tuy có khả năng gây hại cho môi trường nhưng do giá trị vẫn còn ở rác thải điện tử nên việc bán lại cho "đồng nát" vẫn được ưu tiên hơn.

"Những người 'tái chế' không chính thức này chỉ tận dụng các vật liệu còn dùng được, còn những phần rác thải khác thì phó mặc. Những vật liệu này nếu không xử lý tốt, như chôn lấp sơ sài chẳng hạn, sẽ gây hại trực tiếp đến nguồn ngước, môi trường", bà Monina chia sẻ. Do vậy, vấn đề nhận thức người dùng vẫn là thách thức lớn nhất trong quy trình thu gom rác thải điện tử.

Trong bối cảnh luật chưa triển khai, người dân thì chưa sẵn sàng, hai "đại gia" của làng công nghệ thế giới là Apple và HP quyết định cùng nhau thành lập liên minh để triển khai các chương trình tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam.

Nhằm đảm bảo quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường. Liên minh này sẽ triển khai dịch vụ thu gom và tái chế rác thải điện tử miễn phí cho cơ quan nhà nước, các tổ chức hiệp hội và DN... tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Chương trình cũng được mở rộng cho người dân tại hai khu vực trên nhằm giúp tập hợp các thiết bị điện tử bị loại hoặc quá hạn sử dụng.

Theo HP, không chỉ đơn giản là thu gom, liên minh phải đứng ra đảm bảo tất cả rác thải này được xử lý đúng chuẩn quốc tế. "Nhiều người sẽ nhìn vào giá trị còn sử dụng được của rác thải điện tử nhưng thực tế, nguồn thu này ít hơn rất nhiều so với khoản chi cho việc xử lý những chất không dùng được", bà Monina khẳng định. Tất cả chỉ thuần thể hiện trách nhiệm xã hội của DN.

Đây không phải là lần đầu tiên các chương trình thu gom rác thải điện tử được triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, những cố gắng ấy vẫn chưa được đón nhận từ nhiều phía.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam chia sẻ: "Vấn đề cốt lõi nằm ở sự nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về vấn đề rác thải điện tử cũng như những hạn chế về nguồn lực tài chính trong việc xây dựng quy trình tái chế rác thải điện tử theo đúng quy chuẩn".

Theo ông Tùng, một lý do khác khiến các chương trình thu gom rác thải điện tử chưa có tác dụng ở Việt Nam là sự thiếu cam kết lâu dài cho các dự án về môi trường.

Kinh nghiệm triển khai các chương trình tái chế rác thải điện tử tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác cho thấy, điểm phân phối sản phẩm sẽ là điểm thu gom rác thải tốt nhất. Các cửa hàng bán đồ điện tử đều có chỗ cho khách hàng mang đến bỏ sản phẩm hư hỏng.

"Thậm chí, ở Châu Âu, việc chia sẻ với nhà sản xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ tái chế rác thải điện tử đã được luật định, chế tài để cộng đồng cùng chung tay", bà Monina tư vấn.

Rõ ràng, dù có cố gắng từ phía đơn vị sản xuất nhưng vẫn có khá nhiều bất lợi trong việc thu gom rác thải điện tử tại Việt Nam. Không thể ngày một ngày hai là nhận thức đúng về rác thải điện tử ăn sâu vào cộng đồng. Hai "đại gia" công nghệ có thị phần lớn tại Việt Nam là HP và Apple ắt sẽ còn phải mất nhiều thời gian để triển khai thành công nền tảng tái chế của mình.

Hy vọng, những nỗ lực của họ sẽ sớm có tác dụng, như lời ông Dương Hoàng Tùng, món quà quý nhất từ nhà sản xuất là nhận thức chăm lo cho môi trường của quốc gia họ đến để kinh doanh.

Theo ĐẶNG QUÝ YÊN

Cùng chuyên mục
XEM