Cuộc đua thâu tóm đất vàng Láng Hạ

06/03/2016 21:54 PM |

Sở hữu miếng đất vàng trên phố Láng Hạ - Hà Nội, DN lập tức thành mục tiêu thâu tóm, mua đi bán lại qua tay rất nhiều đại gia để tranh phần đất mặt tiền đẹp nhất Hà Nội.

Chung cư cũ nhưng ở vị trí đất vàng luôn là một miếng bánh ngon cho các doanh nghiệp bất động sản săn đón. Tuy nhiên, việc có được quỹ đất sạch là không hề dễ, cùng với những quy định hạn chế mật độ dân cư khiến dự án cải tạo chung cư trì trệ trong thời gian dài.

Săn đất vàng

Từ lâu, khu chung cư cũ đều vị trí đẹp, doanh nghiệp xây dựng là bán được ngay. Chính vì thế, không chỉ các đại gia, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản thương mại, cuộc chiến thâu tóm đất vàng còn thu hút cả các “tân binh” nhập cuộc.

Sau nhiều tháng tranh đua thâu tóm, đất vàng 93 Láng Hạ đã có chủ mới. Nằm ở vị trí mặt đường Láng Hạ rộng 5.000m2, thành phố đã cho phép Công ty BĐS An Thịnh được đầu tư dự án mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm không triển khai, năm 2015, nhiều công ty địa ốc đã nhảy vào thâu tóm An Thịnh.

Cuộc đua tranh thâu tóm An Thịnh diễn ra quyết liệt khi có sự tham gia của nhiều ông lớn như Hà Đô Group, Vinaconex 2, CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex (IUC),...

Vào cuối tháng 7/2015, Hà Đô thông báo đã ký hợp đồng mua toàn bộ cổ phần sở hữu từ 3 cổ đông của BĐS An Thịnh - tương đương 81,4% vốn cổ phần. Sau đó, nhóm cổ đông An Thịnh đã hủy hợp đồng với Hà Đô vì một số cam kết trong hợp đồng không được thực hiện.

Đến đầu tháng 9/2015, đến lượt Vinaconex 2 khẳng định đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 100% cổ phần BĐS An Thịnh ngày 8/9/2015, giữa bên bán là BĐS An Thịnh và bên mua là VMC, VC2 và IUC. Trong đó, riêng VC2 cho biết đã đăng ký nhận về 29,85% vốn.

Cuộc chiến đất vàng tiếp tục gay cấn khi Tổng công ty Vinaconex (VCG) tham gia. Đến nay, Vinaconex đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để trở thành cổ đông lớn và là công ty mẹ của BĐS An Thịnh.

Ngay cạnh đó, khu tập thể 97 Láng Hạ cũng Vinaconex cũng đã góp vốn với Petrowaco theo tỷ lệ Vinaconex 45%, Petrowaco 55%. Dự án mới sẽ là một tòa nhà hỗn hợp gồm chung cư văn phòng 27 tầng nổi (7 tầng văn phòng và 20 tầng chung cư), 3 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật, dịch vụ.

Công trình ban đầu do Petrowaco làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công từ tháng 9/2010 nhưng do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Petrowaco đã xây dựng phương án đền bù khá "khủng" cho các hộ dân tại đây.

Theo đó, Petrowaco sẽ đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trên nguyên tắc căn hộ cũ (với các diện tích từ 41,7 - 47,34m2) đổi sang căn hộ mới (có diện tích 103 - 107,5m2 hoặc 112,5m2), mà không phải trả thêm tiền.

Ngoài ra, các hộ dân còn nhận được khoảng 150 triệu đồng/hộ để chi trả tiền thuê nhà tạm cư trong suốt thời gian chủ đầu tư thực hiện dự án (dự kiến khoảng gần 30 tháng).

Có thể thấy, đây là mức đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân vào dạng "khủng" nhất trong các dự án cải tạo chung cư cũ từ trước đến nay.

Trong đó, chủ đầu tư sẽ dành 66 căn hộ để bố trí tái định cư, còn lại số căn hộ kinh doanh là 124 căn hộ.

Bên cạnh Dự án 97 Láng Hạ, Petrowaco còn là chủ đầu tư của một vài dự án cải tạo chung cư khác có vị trí đẹp tại Hà Nội như 59-63 Huỳnh Thúc Kháng, một dự án có vị trí đẹp tại góc giao cắt giữa đường Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Chí Thanh.

Không phải miếng ngon

Dự án B6 Giảng Võ lại là một trong các dự án hiếm hoi hoàn tất di dời từ 6 năm nay nhưng chưa thể thi công xây dựng. Ba lần đổi chủ, số phận đất vàng B6 Giảng Võ đã về tay chủ đầu tư đồng thời cũng là nhà thầu cũ là Tổng công ty 36.

Từ một dự án được kỳ vọng, B6 Giảng Võ đã biến thành một dự án tai tiếng. Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỷ đồng từng nhảy vào dự án này. Nhưng Mefrimex không trả tiền chuyển nhượng nên Công ty 36 đã buộc phải kiện Mefrimex ra tòa.

Nhiều ông lớn nhăm nhe khu đất vàng nhưng không phải dễ dàng.
Nhiều ông lớn nhăm nhe khu đất vàng nhưng không phải dễ dàng.

Theo phản ánh của doanh nghiệp tham gia xây dựng, mới đầu nhận dự án thì nghĩ là miếng bánh ngon. Sau khi làm, doanh nghiệp vấp phải vấn đề bồi thường cao lại bị khống chế số tầng dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, để giải bài toán này, theo đề xuất của doanh nghiệp, Hà Nội phải cho cơ chế đặc thù đó là nâng tầng cao lên ít nhất 15-20 tầng doanh nghiệp làm mới có lãi.

Hiện tại chỉ những chung cư thuộc diện nguy hiểm nhưng ở vị trí “đất vàng” thuận lợi kinh doanh mới được doanh nghiệp bất động sản đầu tư phá dỡ xây dựng lại. Các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà vì ít lợi nhuận nhưng lại vấp phải khó khăn khi tiếp xúc với cộng đồng chung cư.

Đại diện một chủ đầu tư chia sẻ, ngoài số lượng căn hộ phải trả cho dân tái định cư, số căn hộ còn lại, nếu doanh nghiệp bán được giá 26 triệu đồng/m2 thì vẫn lỗ khoảng hơn 100 tỷ đồng nữa. Mặc dù lỗ nhưng vì lời hứa với dân, vì uy tín nên lỗ doanh nghiệp vẫn làm. Chủ đầu tư đã từng xin nâng tầng cao lên 22 tầng nhưng không được chấp thuận.

Mặc dù vậy, chính sách này đang được chỉnh sửa và nếu vướng mắc về hạn chế chiều cao của tòa nhà được tháo gỡ, nhiều khả năng, cuộc cạnh tranh cải tạo chung cư cũ giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra quyết liệt.

Theo D.Anh

Cùng chuyên mục
XEM