'Cuộc chiến phân bón' thế kỷ: Đánh từ phòng thí nghiệm lên sân chơi chính trị

23/10/2013 14:45 PM |

Mỹ, Nga, Pháp, Đức... "dằn mặt" nhau bằng cả chính trị vì thứ nguyên liệu làm phân bón này. Diện tích canh tác thu hẹp lại, nhu cầu lương thực tăng lên, potash trở nên quý như vàng.

Nội dung nổi bật:

- Potash hay còn gọi là Kali Carbonat là khoáng sản chứa Kali (potassium) được tìm thấy tại các hồ cổ đại, đáy biển hoặc các kiến tạo đá, là nguyên liệu thiết yếu bậc nhất trong phân bón nông nghiệp.

- Các nhà sản xuất potash hợp tác với nhau dưới hình thức các-ten, tự phân chia thị trường, tự định giá không theo quy luật cung cầu. Điều này rất dễ gây ra lũng đoạn độc quyền.

- Uralkali, nhà sản xuất potash lớn nhất thế giới đến từ Nga chấm dứt tham gia các-ten với đối tác lâu năm Belaruskali. Trật tự vốn được định sẵn trở nên rối ren. Thị trường này sẽ đi về đâu?


Tháng 8 vừa qua, sau khi OAO Uralkali, nhà sản xuất potash lớn nhất thế giới đến từ Nga tuyên bố chấm dứt tham gia các-ten với đối tác lâu năm Belaruskali đến từ Belarus. Thị trường potash thế giới rơi vào tình trạng rối như tơ vò.

Cuộc giằng co giữa Nga và Belarus

Belarusian Potash Co., liên doanh marketing của hai bên từng đạt kỷ lục sản xuất 40% lượng potash của thế giới, ngang ngửa với Canpotex Ltd đến từ Bắc Mỹ. Hai tổ chức này đặt ra hạn ngạch sản xuất, phân chia thị trường với nhau nhằm ổn định giá cả và lợi nhuận.

Nguyên nhân Uralkali rút chân vẫn gây ra nhiều nghi vấn, phải chăng công ty đang muốn ép Belaruskali tuân thủ chặt chẽ hơn các điều khoản hai bên đã thỏa thuận? Cũng có nhiều khả năng Nga đang cố tình tăng sức ảnh hưởng lên Belarus và Aleksandr Lukashenko, nhà lãnh đạo độc tài của nước này bằng ngón hạ giá potash xuống mức không thể thấp hơn. 

Belaruskali là công ty làm ăn lãi nhất tại Belarus, đóng góp 6% cho tổng kinh ngạch xuất khẩu. Nếu giá potash giảm mạnh, Belaruskali rất dễ bị Nga thâu tóm. Nhà tỷ phú Suleiman Kerimov, cổ đông chính của Uralkali, người đại diện có uy tín cho Kremlin là nhân vật đóng vai trò làm tăng khả năng diễn ra cho kịch bản.

Từ phòng thí nghiệm, potash bước ra sân chơi địa chính trị

Mặc dù lịch sử sơ kỳ của potash khá khiêm tốn nhưng thứ nguyên liệu này từ lâu đã song hành cũng những cuộc chơi địa chính trị. Cái tên potash xuất phát từ quy trình sản xuất: tro gỗ (ash) trộn với dung dịch kiềm rồi được đun sôi trong bình (pot), tạo ra một thứ muối kali hòa tan trong nước. Đây là chất không thể thiếu khi chế tạo thủy tinh, xà phòng, thuốc súng, tẩy trắng và nhuộm vải.

Không một quốc gia đơn lẻ nào kiểm soát toàn bộ ngành sản xuất potash. Nơi đâu có lửa và gỗ, nơi đó có thể chế ra potash.

Tuy nhiên, để có được một lượng potash nhỏ, cần tiêu thụ rất nhiều gỗ. Chính vì vậy, kinh tế thế giới thường phải đối mặt với sự thiếu hụt potash định kỳ, từ đó đặt ra yêu cầu phải cải thiện liên tục quy trình sản xuất. Đề tài được trao bằng sáng chế đầu tiên tại Mỹ chính là "cải tiến quy trình sản xuất potash".

Trước khi tìm ra các mỏ muối kali tự nhiên tại Đức vào giữa thế kỷ 19, người ta cũng đã tiến hành thử nghiệm các nguyên liệu thay thế cho gỗ đốt (tảo bẹ từng được thử rầm rộ ở nhiều nơi). Không còn là hợp chất hóa học tầm thường được điều chế trong bình, potash đã trở thành sản phẩm của công nghiệp, nguyên liệu đi đầu trong phân bón hóa học, tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp bùng nổ toàn cầu.

Khi potash ngày một trở nên thiết yếu, các nhà sản xuất Đức thành lập các-ten để cố định giá và quản lý sản xuất. Mỗi khi tại Đức có mỏ mới xuất hiện, nó sẽ đe dọa sự ổn định bằng cách giảm giá, các nhà sản xuất phải tìm cách đưa nó vào các-ten và giao hạn ngạch.

Giá potash thế giới phải trả được các-ten định đoạt chứ không phải quy luật cung cầu trên thị trường.

Nhìn lại trận chiến tay ba Đức-Pháp-Mỹ

Năm 1909, không chấp nhận những quy tắc ràng buộc trên, ba nhà sản xuất potash Đức rút chân khỏi các-ten và ký hợp đồng với các công ty phân bón Mỹ bán rẻ hơn các-ten. 

Đáp lại, chính phủ Đức áp đặt thuế cấm các hợp đồng xuất khẩu ký kết bên ngoài các-ten. Tranh chấp ngoại giao nổ ra khi chính phủ Mỹ bênh vực công ty nước mình nhưng dĩ nhiên chẳng đi đến đâu. Thuế xuất khẩu buộc những công ty đang bất mãn của Đức tái gia nhập các-ten và hủy bỏ hợp đồng.

Dù là kẻ bại trận trong Thế chiến thứ hai, Đức vẫn cố gắng duy trì quyền kiểm soát nguồn cung potash trên thế giới. Năm 1919, chính phủ Weimar lập nên Hội đồng Potash để giám sát nghiệp đoàn potash "vì lợi ích chung của người Đức". Như vậy nếu có quốc gia nào dại dột tự đi khai mỏ thì khi xuất khẩu sang Đức sẽ bị hạn chế sản xuất, duy trì giá cao và chịu thuế trừng phạt.

Chẳng bao lâu Đức đã gặp đối thủ cạnh tranh tại Pháp. Theo các điều khoản của hậu chiến trừng phạt, Pháp cũng có phần tại vùng Alsace - ngôi nhà cũ của các mỏ potash của Đức. Pháp nhanh chóng sản xuất và thách thức đối thủ trên thị trường quốc tế. 

Nhưng lợi nhuận đã chiến thắng đối đầu: năm 1929, hai nước vạch ra một thỏa thuận các-ten phân chia thị trường thế giới. 

Mỗi bên đồng ý với một hạn ngạch sản xuất riêng, trong đó Đức nắm giữ 70% thị trường Mỹ còn Pháp "ăn miếng nhỏ" còn lại. 

Những nơi khác trên thế giới cũng được "chia chác" theo tỉ lệ tương tự. Người Mỹ thấy vậy rất bất mãn, Herbert Hoover khi ấy là bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ giãi bày với ngoại trưởng rằng: "Đây là hình thức độc quyền nhà nước ở mức xấu xa nhất, nó đem lại cho chính phủ Đức tự do toàn quyền để bòn rút thế giới."

Chính phủ Mỹ bèn đệ đơn kiện Nghiệp đoàn Potash Đức với tội xâm phạm luật chống độc quyền Mỹ nhưng động thái này vô nghĩa, cùng lắm tòa án chỉ có thể ngăn cấm "Nghiệp đoàn Potash Quốc tế" mới thành lập làm ăn với Mỹ mà thôi. Điều đó sẽ làm tê liệt kinh tế nước này trừ khi họ có nguồn potash riêng để sử dụng như một đòn bẩy.

Đúng lúc đó, các nhà địa chất chính phủ Mỹ đã tìm thấy những mỏ potash tại New Mexico vào năm 1926. Năm 1929, American Potash and Chemical, nhà sản xuất potash riêng của Mỹ ra đời, thuộc quyền sở hữu của công ty Nam Phi Consolidated Gold Fields trụ sở tại London

Nhận thấy sự đe dọa xuất hiện, Đức bèn thực thi một kế hoạch khôn khéo nhưng không kém phần ám muội. Nghiệp đoàn Potash Đức thông qua một mạng lưới ngân hàng đầu tư và công ty vỏ bọc (shell company) tinh vi để che giấu đường đi nước bước và mua lại 90% cổ phiếu của Consolidated Gold Fields. Nhờ đó, nghiệp đoàn giành được quyền kiểm soát các mỏ potash Mỹ. Chẳng bao lâu, American Potash and Chemical phải sản xuất theo lệnh của Nghiệp đoàn Potash Đức.

Các-ten Pháp Đức này tiếp tục phất lên trong suốt những năm 1920, bất chấp những căng thẳng ngày một lớn giữa hai nước. Các công ty Mỹ mới có mặt trên thị trường trong những năm 1930 bỗng dưng phải tuân thủ mệnh lệnh của nghiệp đoàn một cách khó hiểu cho thấy Đức Quốc Xã đã duy trì sự tồn tại thịnh vượng của các các-ten này cho tới tận Thế chiến thứ hai. 

Các quốc gia và vùng lãnh thổ bắt đầu khai thác potash như Phần Lan, Liên Xô, Tây Ban Nha và cả Palestine, cũng gia nhập nghiệp đoàn để đổi lấy việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất.

Kết cục chỉ có một!

Trật tự hậu chiến tranh đã phá hủy các các-ten potash cũ, nhưng những các-ten mới lại mọc lên thay thế. Chiến tranh Lạnh kết thúc, mở ra thỏa thuận phân chia giữa tập đoàn Bắc Mỹ và tập đoàn đang trong nguy cơ tại Belarus.

Vở kịch mới nhất về potash bỗng trở nên mới lạ khi "gã nặng ký" như Uralkali tìm cách rút chân thay vì kiểm soát nghiệp đoàn hiện tại. Nhưng lịch sử của thế kỷ qua đã cho thấy trò chơi chỉ có một kết cục duy nhất: Nga sẽ có quyền kiểm soát mạnh hơn với đối tác một thời của mình, mở rộng thị phần trong ngành kinh doanh đầy xảo quyệt này của thế giới bằng cách tước đoạt lợi nhuận của Belarus.

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM