‘Cuộc chiến’ 300 tấn vàng

01/09/2015 11:32 AM |

Cùng với đoàn tàu bí ẩn tại Ba Lan, một cuộc chiến giành tài sản đang manh nha bắt đầu.

Tuần qua, thế giới xôn xao trước chiến dịch tìm kiếm một chiếc xe lửa chở đầy kho báu của phát xít Đức với vị trí chôn giấu được tiết lộ là một đường hầm đã bị bịt kín tại Ba Lan. Thế nhưng “cuộc chiến” tranh giành kho báu khổng lồ này đã bắt đầu cả trước khi đoàn tàu hay một hiện vật nhỏ của kho báu được “nhìn tận mắt, sờ tận tay”.

Lời trăng trối trị giá 300 tấn vàng

Cuối tháng 8-2015, hai thợ săn kho báu người Đức và Ba Lan bất ngờ khẳng định đã tìm thấy một đoàn tàu chứa đầy kho báu được phát xít Đức chôn giấu trong Thế chiến thứ hai gần thị trấn Walbrzych, miền tây nam Ba Lan, gần biên giới nước Cộng hòa Czech. Theo hãng tin CNN, những người săn kho báu này đã có được thông tin vị trí từ lời trăng trối trước khi chết của một người từng tham gia chôn giấu đoàn tàu.

Không bao lâu sau, ông Piotr Zuchowski, lãnh đạo Cục Di sản Quốc gia và Bảo tồn của Bộ Văn hóa Ba Lan, xác nhận “chắc chắn 99%” là họ đã xác định được đoàn tàu sau khi xem xét các hình ảnh chụp bởi hệ thống radar xuyên lòng đất. Theo ông, mặc dù hình ảnh còn nhiều chỗ chưa rõ nhưng vẫn có thể xác định được hình dáng của một đoàn tàu và các khẩu trọng pháo.

Ba Lan vẫn chưa thể xác định được thật sự đoàn tàu chứa những gì - là thiết bị quân sự, trang sức, tác phẩm nghệ thuật hay các tài liệu mật. Tuy nhiên, theo ông Zuchowski, “các đoàn tàu thiết giáp của phát xít Đức thường được sử dụng để vận chuyển những vật cực kỳ quý giá” và đoàn tàu thiết giáp này thì có độ dài gần 100 m - một trường hợp theo ông là “chưa từng có” trong lịch sử. Đoàn tàu này được cất giấu trong một đường hầm dài đến gần 4 km nối từ Walbrzych đến thị trấn Wroclaw của Ba Lan.

Trong khi đó, theo hãng tin The Telegraph, hai thợ săn kho báu còn cam đoan rằng đoàn tàu thiết giáp bí ẩn của phát xít Đức đang mang theo gần 300 tấn vàng. Hai thợ săn người Đức và Ba Lan đã đòi chính quyền cam kết chia lại cho họ 10% tổng giá trị số kho báu, bất kể kho báu bao gồm những gì, như một hình thức “phí phát hiện kho báu”. Đáp lại, Ba Lan khẳng định hai người săn tìm kho báu sẽ được 10% giá trị kho báu theo luật nếu nó có thật nhưng bác bỏ thông tin họ sẽ được nhận tiền mặt.

Quân đội Mỹ trưng thu các kho báu tại một mỏ muối ở miền Trung nước Đức tháng 4-1945. Ảnh: Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust, Mỹ

Ba Lan cấm cửa săn kho báu

Trang The Australian cho biết Ba Lan đã tuyên bố toàn bộ các hàng hóa trên đoàn tàu này đều thuộc về ngân khố quốc gia. Thế nhưng chắc chắn chính quyền Warsaw cũng hiểu quyền sở hữu khối tài sản khổng lồ này sẽ vấp phải vô số thách thức tranh chấp phức tạp từ nhiều bên khác nhau. Hôm 26-8, phó thị trưởng Zygmunt Nowaczyk của Walbrzych khẳng định số vàng trên chuyến tàu thuộc về chính phủ Ba Lan một cách hợp pháp, sau khi thông tin về đoàn tàu thu hút các thợ săn khác muốn thử vận may.

Sau khi thông tin về đoàn tàu bí ẩn được tiết lộ trên truyền thông Ba Lan, một nhóm săn kho báu khác cũng bất ngờ lên tiếng khẳng định họ đã nắm thông tin về vị trí đoàn tàu gần hai năm về trước và đã tiến hành điều tra toàn bộ khu vực. Thế nhưng nhóm này đã nhận được nhiều cuộc gọi nặc danh đe dọa dừng tìm kiếm và điều tra về kho báu. Một thành viên giấu tên của nhóm cho biết: “Có nhiều đối tượng rất nguy hiểm đang mong muốn tìm ra đoàn tàu này.” Ngoài ra, nhóm này cũng lên tiếng cáo buộc hai thợ săn kho báu tiết lộ thông tin vừa qua thực chất đã đánh cắp nguồn tin của họ.

Thứ trưởng văn hóa Ba Lan Piotr Zuchowski cũng cảnh báo người dân không nên tìm số vàng vì có thể đoàn tàu bị gài mìn, trang bị súng tự động hoặc chứa các vật liệu độc hại từ thời Thế chiến thứ hai. “Tôi kêu gọi mọi người ngừng tìm đoàn tàu đến khi các tiến trình chính thức đảm bảo việc tìm kiếm an toàn được hoàn tất” - ông Zuchowski nói.

Người Do Thái đòi công bằng

Sẽ mất hàng tháng trời nữa thì các chuyên gia mới có thể vượt qua những đường hầm vô cùng phức tạp và đầy bẫy ngầm để tiếp cận được đoàn tàu. Thế nhưng ngoài Ba Lan cũng đã xuất hiện thêm nhiều “ứng cử viên” khác đòi quyền sở hữu số kho báu khổng lồ. Các nhóm hoạt động chính trị người Do Thái đã lên tiếng đòi quyền lợi cho hậu duệ của những nạn nhân Do Thái - những người bị phát xít Đức cướp đoạt tài sản trong Thế chiến thứ hai.

Theo Reuters, thông tin về việc phát hiện đoàn tàu kho báu đã nhanh chóng thổi bùng lên lại làn sóng giận dữ của cộng đồng người Do Thái tại Ba Lan và trên thế giới về vấn đề đền bù chiến tranh. Ông Rovert Singer, lãnh đạo tổ chức Quốc hội Do Thái Thế giới, cho biết: “Những người Do Thái gốc Ba Lan sống sót sau chiến tranh chưa bao giờ được đền bù một cách đàng hoàng bởi chính quyền Ba Lan”. Theo ông Singer, bất kỳ hiện vật nào bị cướp đoạt từ những người Do Thái bị giết chết, hoặc bị đưa đến các trại lao động, “bằng mọi cách phải được trả lại cho các nạn nhân hoặc cho các người thừa kế của họ”.

Vào tháng 5-1945, giai đoạn cuối Thế chiến thứ hai, lực lượng Mỹ khi tái chiếm nước Áo khỏi tay phát xít Đức cũng đã từng bắt được một đoàn tàu hỏa chở nhiều tài sản quý giá với phần lớn thuộc về gần 800.000 người Do Thái gốc Hungary bị phát xít Đức cướp đoạt. Thế nhưng bất chấp lời thỉnh cầu của cộng đồng người Do Thái gốc Hungary xin trả số tài sản này cho gia đình các nạn nhân, chính quyền lâm thời của lực lượng đồng minh đã tiến hành bán đấu giá những hiện vật quý tìm thấy trong 44 toa tàu, giao một phần cho Cục Mua bán quân sự và trao hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật quý cho chính quyền lâm thời của nước Áo.

“Gấu Nga” vào cuộc

Trả lời trên truyền hình quốc gia, các luật gia người Nga cho rằng chính quyền Kremlin có thể tuyên bố sở hữu một phần của số kho báu trên đoàn tàu như một hình thức bồi thường chiến tranh cho chính quyền Xô viết trong Thế chiến thứ hai. Trả lời trang tin Sputnik News, ông Mikhail Joffe cho biết: “Các đại diện của Nga hoàn toàn có quyền tham gia xác định giá trị của khối tài sản một khi đoàn tàu được phát hiện. Nếu số kho báu này được thu gom từ vùng lãnh thổ của Liên bang Xô viết thì hàng hóa trên đoàn tàu theo đúng luật pháp quốc tế phải được chia cho phía Nga”.

Trong khi đó, nhà báo Tom Bower lại đưa ra giả thuyết rằng đoàn tàu kho báu của phát xít Đức có thể là nơi chứa “căn phòng hổ phách” bị đánh cắp quân đội Đức từ cung điện Catherine, gần TP St Petersburg (trước là Leningrad), vào Thế chiến thứ hai. Theo Bower, “căn phòng hổ phách” này được làm bằng hổ phách, vàng và đá quý với tổng giá trị tính đến nay có thể lên đến hơn 386 triệu USD. Quân đội phát xít Đức đã cho tháo dỡ căn phòng này vào tháng 10-1941 khi phát động chiến dịch xâm lăng Liên bang Xô viết.

Căn phòng sau đó được chuyển về lâu đài Koenigsberg ở vùng Đông Phổ. Thế nhưng sau đợt tiến quân của Hồng quân Liên Xô vào tháng 1-1945, mọi dấu vết về căn phòng đều biến mất. Căn phòng được tin là đã bị phá hủy trong các đợt không kích. Nhưng vẫn còn những lời đồn đại cho biết đã có hơn 40 toa tàu được chuyển khỏi lâu đài trước khi nơi này rơi vào tay Hồng quân. Ông Bower tin rằng nếu như có bất kỳ kho báu nào được tìm thấy bên trong đoàn tàu bí ẩn ở tây nam Ba Lan thì đó phải là “căn phòng hổ phách” trứ danh của nước Nga.

Chưa thấy tàu đâu, Ba Lan đã có lời

Theo tờ The Times of Israel, sự xuất hiện của thông tin về đoàn tàu kho báu bí ẩn của phát xít Đức đang tạo ra một hiệu ứng “quái vật hồ Lockness” ngay tại thị trấn Walbrzych của Ba Lan. Những tin đồn liên tiếp về đoàn tàu thiết giáp và kho báu 300 tấn vàng, cùng những thông tin xác nhận của chính phủ Ba Lan,… đang biến thị trấn Walbrzych thành một địa điểm nổi tiếng trong mắt công chúng phương Tây. Khu vực được cho là phát hiện đoàn tàu, nay được gọi với cái tên “cây số 65”, đang thu hút lũ lượt các nhóm săn lùng kho báu và các đoàn phóng viên truyền hình đổ về ngóng tin.

Cuộc săn kho báu này cũng đang góp phần làm “sống lại” lâu đài Ksiaz nổi tiếng của Ba Lan, vốn cũng nằm trong khu vực Walbrzych, có mạng lưới đường hầm chằng chịt rộng hơn 8.300 km2 và ẩn chứa nhiều truyền thuyết bí ẩn. Cũng có những đồn đoán cho rằng sâu bên dưới tòa lâu đài là phòng thí nghiệm tên lửa của nhà khoa học phát xít Đức nổi tiếng - Hubertus Strughold.

Theo TRUNG NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM