CPI giảm: Mừng hay lo?

24/11/2014 15:10 PM |

Theo chuyên gia kinh tế TS. Phạm Tất Thắng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhiều khi còn đáng lo hơn CPI tăng.

Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số CPI toàn quốc tháng 11 năm 2014 với mức giảm 0,27% so với tháng 10/2014. Như vậy, CPI 11 tháng đầu năm 2014 mới chỉ ở mức 2,08%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 11 năm qua.

Cụ thể, CPI Hà Nội tháng 11 giảm nhẹ 0,3% so tháng trước.  Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội mới tăng 1,79% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo báo cáo của Cục thống kê TP Hồ Chí Minh,  CPI tháng 11 cũng giảm tới 0,36% so với tháng trước đó.

Để làm rõ hơn vấn đề CPI giảm, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Tất Thắng, chuyên viên kinh tế cao cấp, Bộ Công Thương.

Trái với quy luật thông thường, CPI tháng 11 của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều giảm ở mức 0,3% và 0,36%. Trong khi đó CPI cả nước cũng giảm 0,27%. Ông đánh giá như nào về mức giảm này?

TS. Phạm Tất Thắng: Theo quy luật nhiều năm, thông thường CPI vào những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao nhưng năm nay CPI tháng 11 - tháng gần tết và các dịp lễ lớn vẫn có xu hướng giảm. Hơn nữa có mức giảm khá mạnh, giảm tới 0,27%.

Theo tôi có 3 nguyên nhân dẫn đến việc CPI đảo chiều giảm vào những tháng cuối năm. Một là, do giá xăng dầu giảm mạnh, giảm sâu không cưỡng lại được. Điều này có được là do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Hai là, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính Phủ đã phát huy tác dụng. Ba là, do người dân nghèo, lương thấp nên sức mua của thị trường kém.

Vậy CPI giảm như vậy có phải là một điều đáng lo?

TS. Phạm Tất Thắng: CPI giảm nhiều khi còn nguy hiểm hơn là tăng. CPI tăng ổn định ở mức 4-5% là hài hoà, kinh tế phát triển. Với mức giảm của CPI hiện nay thì mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, CPI tăng thấp dưới chỉ tiêu cũng là một điều đáng lo ngại bởi CPI thấp là biểu hiện rõ nhất của tình trạng sức mua giảm, tồn kho tăng cao, tổng cầu nền kinh tế giảm sút. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn, nguồn thu ngân sách giảm, tăng trưởng kinh tế.

Tôi lấy ví dụ, trong năm qua bất động sản được dự báo nóng dần lên nhưng trên thực tế vẫn rất ảm đạm và ế ẩm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vật liệu xây dựng và các ngành nghề có liên quan.

Trong tháng 12, CPI cả nước sẽ biến động ra sao, thưa ông?

TS. Phạm Tất Thắng: Với sự giảm sâu của giá xăng  và giá gas cùng cước vận tải giảm nhẹ, tôi nghĩ CPI cả nước sẽ không có biến động nhiều trong tháng 12, nếu tăng chỉ ở mức rất nhẹ. Trong năm 2014, dự báo CPI chỉ tăng ở mức dưới 2,5 % -3%.

Như vậy CPI của cả nước năm 2014 trên thực tế sẽ thấp hơn so với kế hoạch kiềm chế lạm phát được Quốc hội đề ra đầu năm 2014?

TS. Phạm Tất Thắng: Dự báo năm 2014 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8%. Theo kế hoạch đề ra, năm 2014 Quốc hội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5%. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này là tháng 11, CPI có xu hướng giảm và ở mức 2,08%.

Sắp tới, CPI tháng 12 sẽ không có nhiều biến động nhiều mặc dù là tháng cận kề Tết và các dịp lễ lớn. Như vậy, mức tăng CPI thực tế vẫn chỉ bằng nửa so với kế hoạch đề ra. Như tôi đã nói ở trên CPI tăng thấp không phải là điều đáng mừng.

Với mức tăng thấp như thế này tôi nghĩ Chính Phủ nên có những gói kinh tế kích cầu thị trường, tăng sức mua của người dân trong những tháng cuối năm.

Xin cám ơn ông!

>> Giá xăng giảm mạnh kéo CPI cả nước tháng 11 đảo chiều giảm 0,27%

Theo Hướng Dương

Cùng chuyên mục
XEM