Cơn đau đầu của ông Putin

19/08/2015 15:46 PM |

Ông Putin hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bao gồm cả nền kinh tế Nga ảm đạm, kế hoạch làm hồi sinh Crimea và lấy lại niềm tin của người dân.

Cơn khủng hoảng của nền kinh tế Nga đang phình to hơn bao giờ hết và theo một số chuyên gia phân tích, nó thậm chí tồi tệ hơn những gì người ta nhìn thấy bề ngoài.

Năm ngoái, cộng thêm việc chịu những đòn trừng phạt từ phương Tây, người Nga phải trải qua sự sụt giá của đồng rúp tồi tệ nhất trong lịch sử. Nếu tháng 1/2013 cần có 30,4 rúp để mua 1 USD Mỹ thì đến cuối tháng 1/2015, con số này đã tăng hơn gấp đôi, lên mức 69,5 rúp đổi 1 USD. Đây hầu như là hệ quả của việc giá dầu sụt giảm – quân bài chủ lực của nền kinh tế Nga.

Lúc này, điện Kremlin đã quyết định chi 10 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối như một nỗ lực nhằm chống đỡ đà sụt giảm của đồng rúp. Cuối cùng, nhờ sự hồi phục nhẹ của giá dầu vào đầu năm, tỷ giá đã thu hẹp khoảng cách xuống còn 50 rúp đổi 1 USD.

Hiện tại, giá dầu tiếp tục đà sụt giảm và tỷ giá lại quay về mức 65,5 rúp đổi 1 USD. (Một trong những lý do dẫn đến sự sụt giảm giá dầu là bằng chứng cho thấy Iran được giải phóng khỏi những đòn trừng phạt vốn lâu nay giới hạn khả năng bán dầu của quốc gia này).

Bên cạnh đó, mức độ tổn thương của nền kinh tế đang lan tràn trên khắp nước Nga. Nga hiện có 83 khu vực khác nhau với bộ máy quản lý nhà nước địa phương và nhiều nơi trong số đó đang chìm trong nợ nần, theo Lauren Goodrich – một chuyên gia phân tích tại Stratfor.

Tỷ lệ nợ trên từng khu vực của Nga trong năm 2014.

Có khoảng 60 trong tổng số 83 khu vực của Nga đang trong trạng thái khủng hoảng và ít nhất 20 trong số đó chìm trong nợ”, Goodrich nói. Những khu vực này vốn đã rơi vào tình trạng khủng hoảng từ năm ngoái. “Tỷ lệ nợ của Nga đã tăng từ 100 – 150% chỉ trong vòng vài năm trở lại đây”, bà Lauren nói thêm.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì ước tính rằng kinh tế Nga sẽ thu hẹp lại khoảng 3,5% trong năm 2015 và sau đó bắt đầu tăng trở lại vào năm 2016.

"Đầu tư và tiêu dùng có lẽ vẫn duy trì mức độ tăng trưởng chậm chạp và tác động của các đòn trừng phạt đến thị trường tài chính hay các khoản đầu tư sẽ kéo dài hơn", một báo cáo gần đây cho thấy. “IMF cho rằng tốc độ phát triển GDP của Nga quanh mức 1,5% nằm ở mức trung bình”.

Cuối cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn phải đối mặt với nguy cơ danh tiếng, quyền lực và niềm tin của người dân Nga cũng như những người ủng hộ ông sẽ suy giảm. Thực tế, xu hướng giảm mức độ gắn bó của những người ủng hộ ông Putin đang có chiều hướng gia tăng, nhất là nếu mức chuẩn cuộc sống của người dân Nga (vốn liên tục tăng trong suốt thời kỳ ông nắm giữ quyền lực) tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới.

Ngày thứ 2 vừa qua, ông Putin cũng bắt đầu chuyến thăm Crimea – khu vực mà ông tuyên bố “sáp nhập” vào Nga từ năm ngoái. Tất cả mọi người đều đang nóng lòng muốn biết kế hoạch làm hồi sinh nền kinh tế Crimea vốn đang vô cùng ảm đạm của ông Putin.

Phía lãnh đạo Nga thì hứa hẹn rằng họ sẽ nỗ lực thu hút khách du lịch từ những nơi khác bằng việc nới lỏng quy định visa dành cho các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Brazil. Thêm vào đó, họ cũng sẽ khuyến khích người dân Nga tới nghỉ tại những khu nghỉ hưỡng sang trọng của Crimea bằng các chương trình khuyến mại giảm giá.

Dẫu vậy, những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ. Ông Putin còn đang “đau đầu” giải quyết lo ngại về nhóm đa sắc tộc mà dẫn đầu trong số đó là người Tatars tại Crimea – bộ tộc đang tỏ rõ sự bất bình với hệ thống kiểm soát mới của Nga.

Tổng hợp tất cả những vấn đề này có thể thấy ông Putin đang ở vào vị thế nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM