Chưa hết sợ thời lãi suất hơn 20%

23/06/2015 09:20 AM |

Liệu doanh nghiệp có thật sự khó khăn trong việc tiếp cận vốn, liệu lãi suất cho vay có tiếp tục giảm, doanh nghiệp mong muốn gì với ngành ngân hàng trong thời gian tiếp theo?

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, khi nghe những tuyên bố của người đứng đầu ngành ngân hàng về quản quản lý thị trường vàng, lãi suất, tỷ giá, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, thật sự lúc đầu tôi cũng nghi ngại không biết ngành ngân hàng có thực hiện được không vì có những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu mà chưa giải quyết được.

Việc đầu tiên là ngành ngân hàng tuyên bố sẽ lập lại kỷ cương của thị trường vàng mà ở đó không còn tình trạng đầu cơ, tích trữ, không còn coi vàng là một phương tiện thanh toán, dân có tiền nhàn rỗi là mua vàng, thị trường vàng bây giờ đã đi vào ổn định và điều quan trọng là Nhà nước đã kiểm soát được.

Về việc hạ lãi suất, có những thời điểm lãi suất cho vay lên tới hơn 20%, thật sự vô cùng khó khăn cho các doanh nghiệp. Với cách điều hành quyết liệt và hướng vào mục tiêu hạ lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trong gần 3 năm qua lãi suất đã hạ xuống, giờ còn dao động 7-9% với lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Nhưng có lẽ điều các doanh nghiệp đánh giá cao với việc điều hành tỷ giá mà ở đó NHNN đã tuyên bố trước về định hướng điều chỉnh tỷ giá và luôn kiên định mục tiêu để các doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh.

Những kết quả đó đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần tạo môi trường cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển.

* Thống đốc NHNN nói rằng bản thân NH cũng cần DN tốt để cho vay, chỉ cần doanh nghiệp chứng minh được dòng tiền, làm ăn bài bản thì ngân hàng vẫn cho vay theo hình thức tín chấp dù DN không có tài sản thế chấp. Vậy tại sao vẫn có DN cho rằng khó tiếp cận nguồn vốn?

Chính sách đó của hệ thống ngân hàng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình tín dụng thể hiện tư duy đổi mới và sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn điển hình là NHNN đã chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình cho vay tín chấp theo đó các doanh nghiệp làm ăn tốt không có tài sản thế chấp vẫn được vay vốn.

Hoặc mô hình cho vay theo chuỗi liên kết, cho vay với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay vào những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản để phân dòng tín dụng và đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất đảm bảo hiệu quả việc sử dụng vốn, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Chủ trương, chính sách thì rõ rồi. Vấn đề là làm sao để thực hiện tốt chủ trương này. Đó vẫn là một thách thức đối với ngành ngân hàng.

* Một vấn đề được các DN quan tâm là NHNN tuyên bố, 2015 điều chỉnh tỷ giá không quá 2% nhưng đến tháng 5/2015 NHNN đã điều chỉnh hết room rồi, vậy Ông có tin rằng NHNN sẽ giữ được cam kết?

Tôi tin rằng, NHNN đã khẳng định không điều chỉnh tỷ giá quá 2% năm 2015 là dựa trên tính toán, cân đối các yếu tố tác động lên tỷ giá, lợi ích quốc gia và nguồn lực để thực hiện cam kết và tôi hy vọng Thống đốc sẽ thực hiện được cam kết này.

* Ông mong muốn điều gì từ các ngân hàng cho cộng đồng DN?

Lãi suất duy trì ở mức 7-9%, cũng có ý kiến cho rằng mức lãi suất này vẫn còn cao so với các nước trên thế giới. Nhưng lạm phát ở nước ta cũng cao hơn. Vấn đề là phải đảm bảo lãi suất huy động thực dương để huy động nguồn vốn xã hội vào các ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vay của doanh nghiệp và xã hội. Đã đạt được mức lãi suất 7 – 9% thể hiện nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ cố gắng giảm lãi suất thêm 1 – 2% nữa. Và điều quan trọng nhất lúc này là mức lãi suất này đi vào được thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tôi cũng mong tiến trình này tiếp tục được triển khai mạnh mẽ để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp vì nợ xấu liên quan đến doanh nghiệp, tổng thể nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một điều nữa tôi cũng mong các ngân hàng thương mại cắt giảm thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, để có thể hiện thực hóa những chủ trương, chính sách tích có tác dụng đã được Thống đốc nghành cam kết.

* Có ý kiến cho rằng lãi suất hiện nay làm giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài, Ông đánh giá thế nào về việc này?

Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp là sự tích hợp của rất nhiều yếu tố như năng lực quản trị, nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thị trường tiêu thụ…và vốn vay ngân hàng chỉ là một yếu tố. Đối với các doanh nghiệp vốn vay ngân hàng chiếm tỷ lệ nhỏ, thì thậm chí lãi suất không phải là yếu tố trọng yếu. Do vậy, nói rằng lãi suất hiện nay giảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp là chưa đầy đủ, nhưng chắc chắn nếu lãi suất giảm hơn nữa thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Theo Minh Hải

Cùng chuyên mục
XEM