Chủ tịch WB: Thách thức lớn nhất của Việt Nam là làm sao không phân bổ nguồn lực dựa trên quan hệ

24/02/2016 08:57 AM |

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng: Để đạt được mục tiêu trở thành một nước có thu nhập hơn 7.000 USD/người/năm trong năm 2035, một trong hai thách thức lớn nhất của Việt Nam là không chỉ phân bổ đất đai, nguồn vốn cho những người thân quen.

Báo cáo Việt Nam 2035 mới công bố sáng nay đã đưa ra khát vọng biến Việt Nam thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa, có thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới, với GDP/người/năm ở mức 7.000 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP và trên 70% lao động nền kinh tế làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

20 năm là một chặng đường dài, mà mục tiêu trở thành một nền kinh tế “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” trước đó được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, và cũng đã không đạt được.

GDP bình quân đầu người năm 2015 chỉ đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, chưa kể đến tỉ trọng nông nghiệp hiện nay vẫn đang ở mức 16 – 17% GDP.

Để thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong năm 2035, theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, có 2 thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải vượt qua.

Thách thức thứ nhất là làm sao “tập trung vào khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, để đảm bảo việc tiếp cận đất đai và nguồn vốn được cung cấp theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, chứ không chỉ phân bổ đất đai và nguồn vốn cho những người thân quen”.

“Đây là thách thức mà bất cứ nước nào trên thế giới cũng phải đối mặt liên quan tới cải cách cơ cấu. Và Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện vấn đề này”, ông Kim nói.

Thách thức thứ 2 là chúng ta phải hiểu Việt Nam phải tăng và cải thiện đầu tư vào con người nhiều đến mức nào.

Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chắc chắc ngành nông nghiệp sẽ được cơ khí hóa và rất nhiều việc làm trong ngành này theo thời gian sẽ bị giảm, thậm chí là mất đi. Trong khi đó, theo Chủ tịch WB, rất có khả năng ngành công nghiệp chế tạo nhẹ - ngành đã giúp nhiều quốc gia phát triển - sẽ không mang tính cởi mở mà trở thành ngành thâm dụng vốn và công nghệ rất nhiều.

Làm sao để những công việc có trình độ kỹ năng thấp có thể tiếp tục tồn tại?

Từng công dân ở từng quốc gia phải có năng lực để cạnh tranh trong thế giới số hóa. Hiện nay, cần phải tập trung đầu tư vào trẻ em để không có tỷ lệ trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng cao và phải tập trung vào giáo dục và giáo dục đại học, đặc biệt làm sao giáo dục trẻ em từ khi sinh ra cho đến khi vào đại học.

“Đây là thách thức rất lớn vì hầu hết các nước không thấy đầu tư vào con người là yếu tố cơ bản trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng tôi đảm bảo đấy là vấn đề kinh tế chứ không phải đơn thuần là làm việc tốt, việc thiện cho trẻ em”, ông Kim nhấn mạnh.

“Để chúng ta có thể chuẩn bị cho một nền kinh tế trong 20 năm tới, điều quan trọng Việt Nam cần phải có là đảm bảo từng tế bào não bộ, từng chất xám, năng lực trí tuệ của tất cả công dân đều được phát triển để họ có thể làm việc và cạnh tranh trong thời đại số hóa”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM