Chủ tịch Quốc hội: 'Phải cân bằng thu chi, chứ vay lu bù mà chi thì chết'

10/10/2014 12:26 PM |

"Tôi thấy tình hình không khả quan. Thu được đồng nào lại xài hết, đầu tư phát triển ngày càng ít đi, cứ đi vay ào ào. Cứ thế này làm sao phát triển được đất nước".

Ngày 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Nền kinh tế còn nhiều điểm yếu kém, năng suất, chất lượng còn thấp, sức cạnh tranh còn yếu, lạm phát cũng chưa thể yên tâm.

Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại. Ảnh: Hoàng Long

Tốc độ tăng trưởng thấp so với kế hoạch

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như căng thẳng ở Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, bất ổn ở Trung Đông, tình hình Ukraina, dịch bệnh Ebola, cùng với kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, kinh tế nước ta cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy: Số DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (9 tháng đầu năm 2014, số DN thành lập mới là 52.525, số DN giải thể, phá sản là 51.244, số DN tạm dừng hoạt động là 18.873). Có 213 nghìn DN kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập DN, chiếm 68,6% tổng số DN nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy. Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng chỉ rõ: "Cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo”.

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5-2014 là 4,07%, đến cuối tháng 7-2014 là 4,11%). Ông Giàu cũng cho biết, độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5% - 7%).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, báo cáo phải nói rõ vai trò chủ quan trong quản lý điều hành. Ông Phước phân tích: Thứ nhất, thu ngân sách ngày càng giảm, trong khi đó nhiều trường hợp không thu được. Như vậy là công tác quản trị quốc gia có vấn đề.

Thứ hai, vai trò quản lý của Nhà nước khi nông nghiệp tạo GDP cho quốc gia thấp, trong khi tiềm năng còn rất nhiều. Người dân sẵn sàng chặt cao su để trồng tiêu mất hàng trăm triệu đồng. Đó chính là tính tự phát của kinh tế. Vậy vai trò của Nhà nước như thế nào?

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế từ rộng sang sâu nhưng chưa rõ, chủ yếu vẫn là dùng vốn và giá lao động rẻ chứ không phải áp dụng khoa học công nghệ.

Theo ông Cường, ngân hàng thương mại còn nhiều vấn đề khi tăng trưởng tín dụng không cao, nợ xấu vẫn còn, xử lý nợ xấu thông qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC hiệu quả chưa cao. "Đề nghị cần tập trung tiết kiệm chi thường xuyên; tập trung cho đầu tư phát triển, các chính sách hỗ trợ cho DN trong nước phải dứt điểm. Phải có các chính sách kích cầu trong nước như CVĐ "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì trụ cột mới phát triển được”, ông Cường nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các yếu kém phải được chỉ ra, nền kinh tế còn nhiều điểm yếu kém, năng suất chất lượng hiệu quả còn thấp, sức cạnh tranh còn yếu, lạm phát cũng chưa yên tâm được. Nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, năng suất lao động rất thấp. Sản phẩm chủ lực và cạnh tranh tăng rất chậm và yếu.

"Đối ngoại được mở rộng nhưng xuất nhập khẩu vẫn chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nhiều máy móc, công nghiệp phụ trợ còn phải nhập khẩu. Như thế có đáng buồn không”? Chủ tịch Quốc hội nói: Phải cân bằng thu chi, chứ vay lu bù mà chi thì chết. Cây kim sợi chỉ cũng nhập thì làm sao mà không bị động, phải cân bằng xuất nhập khẩu. Tích lũy tiêu dùng làm ra phải để dành đầu tư hay dự phòng giờ ăn hết rồi lấy gì mà dự trữ. Phải làm ra tiền chứ ngồi xem túi tiền có bao nhiêu để chia là không được, phải làm sao cho đất nước đi lên.

"Giờ phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để có năng suất chất lượng cao. 10 người Việt Nam năng suất mới bằng 1 người Malaysia; 20 người bằng 1 người Thái Lan; 30 người bằng 1 người Singapore. Vậy lấy đâu ra mà đột phá năng lực, nâng cao chất lượng hiệu quả. Nâng suất chất lượng như vậy làm sao mà tái cơ cấu, hội nhập được”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao (khoảng 17% so với kế hoạch). Ảnh: Hoàng long

Năm 2015 không có tiền để tăng lương

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "Ngân sách năm 2015 sẽ ưu tiên chi cho quốc phòng an ninh để giữ vững chủ quyền và tăng chi trả nợ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, một số ý kiến tại Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính.

Trước vấn đề không có tiền để tăng lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: "Năm 2014 đã hoãn tăng lương, năm 2015 cũng không thể bố trí nguồn, dư luận hơi băn khoăn. Nhưng nếu tăng lương thì tiền ở đâu”?

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cơ cấu chi ngân sách hiện nay rất xấu khi đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ, vừa đầu tư phát triển. "Tôi thấy tình hình không khả quan. Thu được đồng nào lại xài hết, đầu tư phát triển ngày càng ít đi, cứ đi vay ào ào. Cứ thế này làm sao phát triển được đất nước".

Trong khi đó thất thu ngân sách còn nhiều. Nói ngân sách thất thu do chúng ta giảm thuế là không đúng. Thu ngân sách năm 2014 phải tăng lên, còn 3 tháng nữa là hết năm. Đây chính là giai đoạn nước rút. Tôi tính trong 9 tháng mà thu như vậy là chưa đủ. Cuối năm mà không đạt được là phê bình Bộ trưởng (PV-Bộ trưởng Bộ Tài chính). Phải trở lại cơ cấu chi ngân sách 50% chi thường xuyên, 30% chi cho đầu tư phát triển và 20% chi trả nợ, tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

>> Chủ tịch Quốc hội: Ai có quyền “gợi ý” cán bộ từ chức?

Theo H.Vũ

Cùng chuyên mục
XEM