Cho vay tiêu dùng mua nhà, mua xe lãi suất 30, 40%/năm có phải là lừa đảo?

15/12/2015 10:31 AM |

Việc các tổ chức tài chính, hay cả các ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất cơ bản có phải là lừa đảo, đánh lừa người tiêu dùng như nhiều người vẫn nói?

Nếu đi qua các cửa hàng bán điện thoại di động lớn như Viettel Store, Thế giới di động, FPT Shop,... chúng ta có thể dễ dàng đọc được những bảng quảng cáo như cho vay mua điện thoại với những lời quảng cáo hết sức ngọt ngào như cho vay trả góp 0%, cho vay trả góp lãi suất 0,76%, kỳ hạn thì rất thoải mái từ 6 - 12 tháng, thậm chí có cả 24 tháng.

Với những sản phẩm đắt tiền hơn, như ô tô chẳng hạn, sân chơi chính lại thuộc về các ngân hàng. Mức lãi suất các ngân hàng đưa ra cũng rất hấp dẫn, với lãi suất tính theo dư nợ giảm dần.

Đặc điểm chung của những chương trình cho vay tiêu dùng này đó là những lời quảng cáo hết sức ngọt ngào: Trả trước chỉ 10%, trả góp từ 0%, kỳ hạn dài, lãi suất thấp, không cần nhiều tài sản bảo đảm... để người vay có cảm giác thoải mái khi đăng ký các gói này.

Tuy nhiên, nếu tỉnh táo một chút, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng không bao giờ có khoản vay không cần nhiều tài sản đảm bảo nào mà lại có lãi suất thấp (trừ trường hợp bạn quá nổi tiếng, uy tín "đầy mình").

Và đúng là chúng không thấp thật. Hãy thử làm một phép tính nhỏ. Bạn hãy đặt mua 1 chiếc iPhone 6 16GB có giá 16 triệu đồng tại FPT Shop, trả trước 10% và vay 90% còn lại trong kỳ hạn 12 tháng.

Tổng số tiền bạn phải trả cho khoản vay (bao gồm tiền gốc + lãi) sẽ cao hơn khoảng 30%, đồng nghĩa với lãi suất 30%/năm.

Các tổ chức tài chính và ngân hàng (gọi chung là tổ chức tín dụng) ngày nay cũng rất sòng phẳng chứ không lấp liếm chuyện này như trước.

Khi khách hàng có yêu cầu, những tổ chức tín dụng này sẽ làm một phép tính đầy đủ cho khách để họ biết được mỗi tháng mình phải trả bao nhiêu tiền, trong bao nhiêu năm, những điều khoản ràng buộc, cam kết,...

Hầu hết những khoản vay này đều sẽ có lãi suất vượt qua mức trần lãi suất cho vay. Theo Bộ Luật Dân sự sửa đổi, bổ sung được thông qua ngày 24/11/2015 thì mức lãi suất trần nêu trên đã được điều chỉnh thành 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Với mức lãi suất cơ bản hiện nay là 9%/năm thì lãi suất cho vay sẽ không quá trần 18%/năm.

Vậy tại sao các công ty tài chính hoặc ngân hàng có thể cho vay tiêu dùng cao hơn mức này?

Theo công ty luật PLF, về cơ bản, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có quyền đưa ra mức lãi suất cao hơn mức trần lãi suất quy định.

"Theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 về việc thực hiện lãi suất trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận mức lãi suất cho vay với khách hàng một cách hợp lý tùy theo tình hình thị trường, cụ thể:

“Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”

Theo khoản 3 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Bộ luật Dân sự được Quốc hội ban hành năm 2005 còn Luật các tổ chức tín dụng được ban hành năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, do đó về nguyên tắc phải áp dụng quy định trong Luật các tổ chức tín dụng để chiều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng, bao gồm cả về vấn đề lãi suất cho vay.

Vì vậy, xét trên tình hình biến động của thị trường, quyền tự do lựa chọn của khách hàng. Các tổ chức tín dụng sẽ đưa ra một mức lãi suất phù hợp với thị trường dù có thể cao hơn mức lãi suất trần quy định trong Bộ luật Dân sự và quyền tự do lựa chọn việc giao kết hợp đồng do khách hàng quyết định".

Một điểm khác cần lưu ý đó là những quy định trên chỉ áp dụng cho các tổ chức tín dụng theo quy định tại Khoản 1 - khoản 4 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM