CEO Cảng Đình Vũ: Cạnh tranh giá hút tàu ngoại, doanh nghiệp Việt đang rất bất lợi

05/05/2015 08:04 AM |

“Sự không cân đối trong đầu tư dẫn đến khả năng mất cung cầu, dẫn đến cạnh tranh về thị trường. Khi cung vượt cầu, sẽ phải cạnh tranh về giá. Khi đó, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ rất bất lợi, mà phần lợi thuộc về các hãng tàu nước ngoài”.

Nội dung nổi bật:

- Việc chưa có giá sàn cho các dịch vụ xếp, dỡ container dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm lợi cho các hãng tàu nước ngoài

- Nguyên nhân các doanh nghiệp cảng biển đua nhau cạnh tranh về giá, CEO Cảng Đình Vũ cho rằng do cung vượt cầu

- Trong tình trạng dư cung, nhiều doanh nghiệp cảng biển đang có ý định mở rộng đầu tư, cộng thêm nhiều ông lớn tham gia lĩnh vực này như Vingroup, Tập đoàn T&T của bầu Hiển... khiến tình hình cạnh tranh trên thị trường này càng thêm khốc liệt


* Xin ông cho biết, các doanh nghiệp cảng biển đang đối mặt với các thách thức gì trong thời kỳ hội nhập, nhất là mới đây, khi các ông lớn Vingroup và Tập đoàn T&T của bầu Hiển đều ngỏ ý quan tâm đến thị trường cảng biển?

Ông Nguyễn Ngọc Hồng – Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ: Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước thách thức rất lớn. Khi Việt Nam tham gia vào AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN – PV), đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Còn đối với doanh nghiệp cảng biển trong nước, thị trường hiện nay đang chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư đang đầu tư vào cảng biển. Đây là hiện tượng xã hội hóa đầu tư trong ngành cơ sở hạ tầng cảng biển, cho thấy ngành cảng biển hoạt động cũng có hiệu quả và ổn định.

Tuy nhiên, sự không cân đối trong đầu tư dẫn đến khả năng mất cung cầu, dẫn đến cạnh tranh về thị trường. Đây cũng là một bất lợi cho các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đối với hãng tàu, khi cung vượt cầu sẽ phải cạnh tranh về giá. Khi đó, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam sẽ rất bất lợi trước các hãng tàu. Mà phần lợi thì phía các hãng tàu nước ngoài sẽ được hưởng.

Vì vậy, tôi cho rằng trong những năm tới, các doanh nghiệp cảng biển muốn giữ ổn định được sản xuất, phải đầu tư vào công nghệ, khoa học kỹ thuật, để tăng khả năng bốc, xếp; tăng năng lực xếp, dỡ; năng lực cạnh tranh; tăng chất lượng dịch vụ, có chính sách tốt... thì mới giữ được nhịp độ phát triển cảng biển.

Theo tôi, hầu hết các cảng biển hiện nay, nhất là ở khu vực phía Bắc đang đứng trước thách thức về giá cả. Các doanh nghiệp đang đề nghị lên các cơ quan quản lý Nhà nước (Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Tài chính...) để đưa giá cả xếp, dỡ dịch vụ container vào danh sách bình ổn giá, để xây dựng mặt bằng giá tối thiểu cho dịch vụ này, để đảm bảo được quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi trong cảng biển, chi phí đầu tư rất lớn, nếu giá cả thấp quá thì không đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cảng biển.

* Đấy là với các doanh nghiệp cảng biển nói chung, còn với riêng Cảng Đình Vũ thì sao?

Doanh nghiệp của chúng tôi đã trải qua một quá trình xây dựng, đầu tư, và giữ được chất lượng dịch vụ tốt, quan hệ với khách hàng cũng rất ổn định. Đối với chúng tôi, trong thời gian tới cũng rất khó khăn. Chúng tôi sẽ phải hoạch định chính sách, kế hoạch để nâng cao năng lực cạnh tranh...

Bởi hiện nay, có rất nhiều đối tác cùng ngành đang trỗi dậy và các đối tác mới đang đầu tư vào ngành này. Đây thực sự là một thách thức đối với các doanh nghiệp cảng biển nói chung và chúng tôi nói riêng.

* Thường khi môi trường cạnh tranh càng tăng cao, thì cái được cho là đáng ngại nhất là nguồn nhân lực. Doanh nghiệp có biện pháp gì để giữ người tài? Liệu ông có e ngại các đối thủ cạnh tranh có thể thu hút nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp mình hay không?

Đây là hiện tượng phổ biến trong thời gian này khi các cảng đều đang ra đời và phát triển thêm. Do đó, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực giỏi hiện nay rất mạnh. Đó là các đơn vị đều phải có chính sách đào tạo, chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Chúng tôi có một thương hiệu tương đối lâu, do đó cũng có thuận lợi khi thu hút lao động giỏi. Chúng tôi có chế độ ưu đãi về thu nhập, tạo khả năng phát triển cho các cán bộ giỏi...

* 2 năm gần đây, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và điển hình cho việc này là sự ra đời của 2 Nghị quyết cùng mang số 19 trong năm 2014 và 2015. Ông đánh giá thế nào về các chính sách cải thiện tình hình môi trường kinh doanh trong 2 năm vừa qua?

Tôi nghĩ những cải cách về môi trường tài chính, và rất nhiều cải cách khác, đặc biệt trong các thủ tục về đầu tư, hải quan... cũng tạo ra điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt đối với các đơn vị xuất nhập khẩu.

Với việc hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng, cảng cũng có cái lợi khi tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông quan qua cảng.

* Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn còn nghi ngại về tính hiệu quả của những cải cách môi trường kinh doanh đang được Chính phủ tiến hành. Ông nghĩ sao về quan ngại này?

Đúng vậy. Cải cách trong môi trường đầu tư phải có thời gian, lộ trình thì tác động mới sâu. Hiện nay, với tôi, các tác động này nhiều lúc chưa rõ nét lắm. Cần có thời gian thêm mới tạo điều kiện được cho các doanh nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

>> Bầu Hiển mua cảng Quảng Ninh – Vì cảng hay vì đất?

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM