“Cách dạy học ở Việt Nam đã lỗi thời”

16/12/2015 09:20 AM |

Giáo sư với gần 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Nhật cho rằng cách dạy học tại Việt Nam hiện quá thụ động và không khuyến khích được khả năng làm việc nhóm của học sinh.

Ông Sugitomo Reiji, giáo sư đến từ đại học Hiroshima, Nhật và đồng thời là người có đến 37 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành giáo dục Nhật có một số chia sẻ về quan điểm của ông về hệ thống giáo dục Việt Nam trong mối tương quan so sánh với Nhật.

Ngay từ khi bắt đầu gửi con đến trường, các bà mẹ và cô giáo Nhật dạy trẻ con cách chào hỏi người lớn, bố mẹ, ông bà, họ hàng, bạn bè một cách thân thiện và lịch thiệp nhất.

Quan hệ thứ bậc, văn hóa tập thể và sự lễ nghi rất được chú ý trong trường học ở Nhật.

Trong trường học ở Nhật, quan niệm về thứ bậc được thể hiện rất rõ ràng. Quan hệ senpai – cohai (đàn anh và đàn em) được các em học sinh ý thức chặt chẽ dù không có quy định nào về việc đó được viết ra giấy.

Các senpai sẽ chịu trách nhiệm chỉ dạy cho các em học sinh mới về trường về cuộc sống trong trường, về cách ứng xử với các giáo viên và học sinh khác cũng như việc tham gia các hoạt động tập thể như thế nào.

Những senpai cũng được phân đưa các em học sinh nhỏ hơn gần nhà với mình về nhà. Có nghĩ là các em sẽ lập thành một nhóm gồm cả học sinh lớn và học sinh nhỏ để đưa các em học sinh nhỏ hơn về nhà.

Ông cho rằng chương trình học phổ thông ở Việt Nam hiện còn quá thụ động và đã lỗi thời. Ở Việt Nam hiện nay, lớp học chủ yếu vẫn được thiết kế theo kiểu nhiều hàng bàn ghế nối tiếp nhau, học sinh dồn mọi sự chú ý vào giáo viên và giáo viên giữ vị trí trung tâm, học sinh chủ yếu đọc - chép. Hoạt động làm việc và tương tác theo nhóm còn rất hạn chế. Và giáo sư Reiji cho rằng cách dạy học này đã không còn phù hợp với việc phát triển khả năng làm việc nhóm của học sinh.

Theo ông, các lý thuyết và thực áp dụng kinh nghiệm giáo dục hiện đại cho thấy nên chia lớp học thành từng nhóm 4 em và có yêu cầu đổi nhóm sau một khoảng thời gian nhất định. Khi làm việc như vậy các em sẽ học được cách tương tác và điều chỉnh công việc với các thành viên khác.

Giáo viên sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ và quan sát. Giáo viên nêu ra một vấn đề, ai cũng có quyền nêu ra ý kiến của mình, từng bạn trong nhóm sẽ luân phiên đóng vai trò làm thư ký của nhóm. Sau đó cả nhóm sẽ cũng cử ra một đại diện để nói lên quan điểm của nhóm.

Giáo viên sẽ nêu nhận xét của mình nhưng không phán xét đúng sai và không phạt điểm xấu đối với học sinh. Giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách tự đọc và tìm tòi về đề tài mà học sinh yêu thích rồi viết bài hoặc đứng lên nói về những điều mình đã đọc.

Giáo viên ở Nhật theo dõi đến từng sự thay đổi tâm lý và tiến bộ của mỗi em học sinh để không em nào có cảm giác bị bỏ rơi và mặc cảm với các bạn.

Khoảng thời gian ăn trưa 45 phút là lúc để các em rèn luyện kỹ năng quản lý và hợp tác với nhau. Các em sẽ luân phiên nhau làm quản lý lớp học, phân phát thức ăn cho các bạn và đồng thời cùng hợp tác để dọn sạch lớp học và bàn ăn sau khi ăn xong.

Giáo sư Reiji nhận xét chương trình phổ thông hiện nay của Việt Nam chú trọng quá nhiều đến các môn học chính khóa mà chưa có sự quan tâm đủ lớn đến đào tạo thể thao và âm nhạc cho học sinh trong khi đó ở Nhật, thể thao và âm nhạc được đưa vào chương trình chính khóa cho học sinh và được coi như nội dung học chính khóa chứ không phải phụ đạo.

Với âm nhạc, mỗi học sinh có quyền chọn một loại nhạc cụ riêng để học, dù đó là bất kỳ loại nhạc cụ nào thì trường cũng sẽ phải có trách nhiệm cung cấp giáo viên cho các em để các em được theo đuổi sở thích của mình.

Các hoạt động thể thao tại Nhật được tổ chức với tần suất mỗi tháng/lần để tạo sức ép khiến các em rèn luyện thân thể nhiều hơn. Đó là còn chưa kể đến các đợt Olympic được tổ chức mỗi năm 2 lần và khuyến khích tất cả các em học sinh tham gia.

“Học sinh Việt Nam chưa học được cách sống vì cộng đồng”, nhận xét đáng buồn này được giáo sư Reiji đưa ra sau nhiều lần tổ chức hoạt động cộng đồng cho học sinh Việt Nam. Ông cho biết khi hoạt động kết thúc thì tất cả đều đi về bỏ lại khu vực công viên và sân thể thao ngập trong rác và giấy. Ông và những người làm cùng ông phải đi dọn rác sau đó.

Ông Reiji chia sẻ ở các trường học Nhật thậm chí không có lao công quét lớp hoặc nếu có chỉ là lao công theo giờ tại một số thời điểm nhất định của năm bởi tất cả học sinh Nhật đều được giáo dục phải dọn rác mà mình đã bỏ ra. Hết giờ học tất cả học sinh phải ở lại dọn lớp để phục vụ cho lớp sau đến học.

Dù đánh giá cao cách giáo dục của Nhật nhưng ông Reiji cũng phàn nàn rằng các bậc cha mẹ Nhật hiện đại dường như đang bao bọc con cái họ nhiều hơn so với những thế hệ trước. Ngày khai giảng nhiều trường đại học lớn ở Tokyo mà có quá nhiều các bậc phụ huynh đến cùng con mình, theo ông đó là điều rất không hay bởi khi đã học đến bậc đại học thì sinh viên cần phải rất trưởng thành và tự lập.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM