Bộ trưởng Vinh trải lòng về những trăn trở với doanh nghiệp tư nhân

22/10/2015 21:16 PM |

Điều khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trăn trở nhất chính là "sức khỏe" của doanh nghiệp tư nhân cùng nền nông nghiệp nước nhà...

Nền kinh tế đã có những bước tiến quan trọng trong 5 năm qua, khi kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc hơn; tăng trưởng dần dần phục hồi, tạo đà cho 5 năm tiếp theo, với mức tăng GDP của năm 2015 là 6,5%.

Những phản ứng chính sách của Chính phủ cũng đã linh hoạt và kịp thời. Như câu chuyện đối phó với việc giá dầu giảm và câu chuyện thất thu ngân sách, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ

Nền tảng sản xuất ngày càng mất đi…

“Tổ điều hành liên Bộ đã họp thường xuyên, đánh giá phân tích kỹ lưỡng tình hình để khai thác mặt lợi, hạn chế bất cập. Điều này cho thấy khả năng phản ứng chính sách của Chính phủ là rất quan trọng khi ta ngày càng hội nhập sâu hơn” - Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Hoạt động tái cơ cấu bước đầu cũng đã có kết quả, đặc biệt trong đầu tư công. Bộ trưởng cho biết, nếu làm theo đúng kế hoạch được phê duyệt, đến năm 2021 sẽ không còn nợ đọng xây dựng cơ bản ở Trung ương.

Tuy nhiên, có những điều mà người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất băn khoăn. Bộ trưởng chia sẻ, trong chuyến công tác châu Âu vừa qua, nhà báo của đài BBC đã hỏi ông rằng: “Việt Nam có nhiều thành tựu như vậy, nhưng với vai trò là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, ngài thấy đâu là băn khoăn lớn nhất của nền kinh tế”.

Bằng đáy lòng mình, Bộ trưởng cho rằng trăn trở lớn nhất là DN tư nhân Việt Nam. Bởi một đất nước muốn tự chủ về Kinh tế thì DN của nước đó phải phát triển, để vừa hỗ trợ cho DN FDI vừa đủ sức tiếp thu công nghệ của nước ngoài.

“Tại sao các nước đầu tư vào các khu công nghệ cao của Trung Quốc họ rất lo, nhưng khi đầu tư vào Việt Nam lại không lo? Vì Trung Quốc có nền tảng công nghệ rất mạnh, họ có thể học rất nhanh. Nhưng bên ta, các DN FDI muốn chuyển giao, nhưng DN của ta lại không có đủ nền tảng để tiếp nhận”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng băn khoăn: “Một nền kinh tế không có được lực lượng DN tốt, không bao giờ là một nền kinh tế mạnh, càng không bao giờ là một nền kinh tế tự chủ. Tôi rất trăn trở, đã làm rất nhiều nhưng DN vẫn yếu, quy mô chỉ ăn xổi, làm dịch vụ rất nhiều còn nền tảng sản xuất chính của Việt Nam rất ít”.

Dẫn chứng từ thực tế, Bộ trưởng Vinh chỉ ra rằng trong thời bao cấp, Việt Nam còn rất nhiều nhà máy cơ khí. Thế nhưng, giờ tất cả đều thành khu đô thị, và nền tảng sản xuất của đất nước ngày càng mất đi. Số lượng DN lớn nhưng phần lớn hoạt động buôn bán, nhà hàng khách sạn.

Từ những trăn trở về sức khỏe của DN, nền tảng sản xuất của đất nước, Bộ trưởng Vinh đã đề nghị năm 2015 là năm của DN. Trên thực tế, Quốc hội, Chính phủ đã làm nhiều việc cho DN, như cải cách hành chính, sửa đổi các luật liên quan.

Đau đáu chuyện "con trâu đi trước, cái cày theo sau"

Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là cần làm luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa: “Tôi đề nghị Quốc hội trong nghị quyết lần này làm một mục rõ về DNNVV. Phải đưa mục tiêu, làm thế nào cho DNNVV phát triển”.

Thêm một điều mà Bộ trưởng Vinh trăn trở, chính là nông nghiệp. Khi mà Việt Nam có nhiều sản phẩm có sản lượng đứng đầu thế giới, nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Với một nền nông nghiệp thô sơ, vẫn chỉ là “con trâu đi trước cái cày theo sau”, ruộng đất quy mô nhỏ, thì rất khó để có thể cạnh tranh.

“Tôi nói điều đó để thấy rằng khi hội nhập chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Nông nghiệp sẽ là mảng bị tổn thương lớn nhất. Làm thế nào để vực dậy nền nông nghiệp, khai thác nông nghiệp thành một trụ đỡ là vấn đề cực kỳ quan trọng của 5 năm tới” – Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, phải đi vào chất lượng, bắt đầu từ chuyện con giống, canh tác quy mô lớn, có chủ trương về tích tụ đất đai, cho mua bán đất, tạo ra cánh đồng mẫu lớn thì công nghệ cao mới vào được.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là nguồn lực ở đâu để phát triển cho nông nghiệp, khi mà ngân sách hiện nay đang rất căng thẳng? Đây là bài toán đau đáu mà người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư luôn trăn trở.

Theo San Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM