Bộ Tài chính sẽ tính đến phương án giá dầu ở mức 30 USD/thùng

30/12/2015 13:52 PM |

Trong năm 2015, điều hành thu chi ngân sách Nhà nước đã không hề bị động với việc giá dầu giảm sâu.

Kết thúc hai ngày họp điều hành của Chính phủ với các địa phương, một trong những vấn đề tiếp tục khiến cho các nhà quản lý “trăn trở" nhất đó là việc giá dầu liên tục giảm sâu.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một trong những diễn biến khó lường và không thuận lợi của kinh tế thế giới là giá dầu giảm sâu đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu chi ngân sách, các ngành và cả nền kinh tế Việt Nam.

Chủ động điều hành: Ngân sách không bị tác động do giá dầu giảm

Thế nhưng, cùng với sự phối kết hợp của các bộ, ngành thì những kịch bản ứng phó với giá dầu đã được Chính phủ đưa ra để sát với tình hình thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đưa thêm kịch bản ứng phó với giá dầu ở mức 40 – 50 USD/thùng và việc tăng sản lượng khai thác dầu thêm 1 triệu tấn, đã giúp cho thu ngân sách giảm áp lực và còn tận dụng những lợi ích của việc giá dầu giảm.

Cho rằng một trong những thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2015 là việc đưa ra các phương án linh hoạt để chủ động ứng phó với giá dầu, Phó Thủ tướng Võ Văn Ninh cho biết nếu như kế hoạch đưa ra là 100 USD/thùng thì năm 2015, giá dầu chỉ ở mức 50 USD/thùng. Ngân sách Nhà nước được tính toán là bị giảm thu tới 63.000 tỷ đồng, song trên thực tế thì điều hành thu chi ngân sách Nhà nước đã không hề bị động với việc giá dầu giảm sâu.

Dẫn chứng, trước đây tỷ lệ thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách luôn chiếm khoảng gần 20%, thì đến cuối năm 2016 con số này chỉ ở mức 6%. Một bài học được chính nhà điều hành của Chính phủ rút ra, đó là việc nắm tình hình nhanh nhạy hơn, điều hành nhạy bén và linh hoạt, chủ động hơn, không bị bất ngờ trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như việc phối kết hợp tốt hơn.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận về năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, giá dầu nhiều khả năng sẽ còn xuống mức 20 USD/thùng trong năm 2016. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến ngành dầu khí và các ngành năng lượng liên quan.

Trên thực tế trong năm 2015, việc giá dầu liên tục giảm sâu đã tác động mạnh mẽ đến doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đơn vị trực tiếp thăm dò, khai thác và kinh doanh dầu đã chịu tác động nặng nề từ việc giá dầu giảm sâu.

Theo báo cáo của PVN, giá dầu giảm sâu từ mức dự toán là 100 USD/thùng xuống còn khoảng 50 – 55 USD/thùng đã khiến cho doanh thu của toàn Tập đoàn này bị ảnh hưởng nặng nề, khi bị “bốc hơi” khoảng hơn 163.000 tỷ đồng.

Do đó, cần phải có phương án ứng phó với giá dầu giảm, đồng thời chú ý đến kế hoạch khai thác dầu thô trong kế hoạch 5 năm, mỗi năm gia tăng trữ lượng phát hiện dầu khí đạt 35 – 45 triệu tấn dầu quy đổi. Hiện trữ lượng dầu tiềm năng khoảng 4 tỷ m3 dầu quy đổi, song hiện nay mới chỉ xác định được 1,4 tỷ m3. Vì vậy, ngành dầu khí cần phải tích cực trong khâu tìm kiếm, thăm dò và có chỉ đạo sản xuất cho phù hợp, nếu không sẽ không đáp ứng được trữ lượng dầu cho quốc gia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại bày tỏ nỗi sốt ruột khi giá dầu giảm làm cho kim ngạch xuất khẩu năm 2015 bị mất đi 3 tỷ USD. Theo Bộ trưởng, không thể lường trước được giá dầu giảm sâu đến mức như vậy, liên tục chạm đáy nên mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2015 đã không đạt được.

Tuy nhiên, nhờ việc đưa vào khai thác từ các mỏ dầu khí ở nước ngoài như các mỏ tại Nga, Peru, nên đã đưa về ngoại tệ khoảng 1,4 tỷ USD. Do đó, ngành dầu khí cũng phần nào khắc phục được phần hụt thu lớn từ giá dầu giảm và phần nào đảm bảo được mục tiêu doanh thu trong năm 2015.

Chủ động linh hoạt với giá dầu năm 2016: Sẽ tính đến phương án 30 USD/thùng

Nhìn ở góc độ thu chi ngân sách Nhà nước, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thì cho rằng việc giá dầu tiếp tục giảm trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ tiếp tục có tác động lớn đến ngân sách.

Theo dự toán Chính phủ đưa ra và được Quốc hội phê duyệt, giá dầu năm 2016 ở quanh mức 60 USD/thùng. Do đó, Bộ trưởng cho rằng rút kinh nghiệm điều hành của năm 2015 khi đưa ra mức dự toán là 100 USD/thùng, nhưng trên thực tế là 35 – 36 USD, nên sẽ có phương án tính toán điều hành giá dầu sát thực tiễn.

Theo đó, bên cạnh các phương án 40 – 45 USD/thùng và 50 – 55 USD/thùng, Bộ Tài chính sẽ đưa thêm phương án giá dầu ở mức 30 USD/thùng để định hướng điều hành cho hợp lý và linh hoạt với tình hình, đảm bảo việc thu chi ngân sách của 2016.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đánh giá rằng công tác điều hành của Chính phủ nói chung đã rất sát sao, chặt chẽ và linh hoạt, đặc biệt trong đó có điều hành giá dầu.

"Cần nhấn mạnh dự báo này không phải quá đột ngột mà Chính phủ đã có dự báo, tính toán trước đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục trong xu hướng giảm và giảm sâu, không chỉ ở mốc 30 USD/thùng mà có thể xuống nữa, nên cũng cần phải tính phương án thấp hơn khi có diễn biến giá giảm sâu hơn" - TS. Hồ nói.

Đồng thời, TS. Hồ cũng cho rằng càn phải tính toán đến cơ cấu thu ngân sách cho phù hợp, tận dụng mặt lợi ích từ việc giá dầu giảm để có thêm các nguồn thu khác. Bởi với mức giá dầu giảm sâu như hiện nay thì phần xuất đi sẽ thiệt nhưng nhập khẩu xăng dầu sẽ được lợi, Do đó, cần tính toán kỹ các nguồn thu khác để bù đắp nguồn thu từ giá dầu giảm và có các chính sách kiểm soát giá chặt chẽ để tận dụng lợi ích từ giá dầu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để kiểm soát chặt chẽ giá cả đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu và vận tải, giúp cho giảm chi phí, giá thành đầu vào để doanh nghiệp có thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo Cẩm An

Cùng chuyên mục
XEM