Bộ Tài chính khó giữ được bội chi ngân sách 5% trong năm nay

03/08/2015 08:30 AM |

Đáng chú ý là thời gian gần đây việc chi cho đầu tư phát triển đang bị giảm sút mà thay vào đó chi cho trả nợ - viện trợ và chi thường xuyên (lương) đã lấn át các khoản chi tiêu khác.

Gần đây, khẳng định với báo chí, Thứ trưởngHuỳnh Quang Hải cho biết, kết quả thu NSNN 7 tháng đầu năm là tích cực với mức thu đạt 59,8% dự toán, cao hơn 6 - 7% so với những năm gần đây. Bộ Tài chính sẽ giữ mức bội chi NSNN không vượt quá 5% như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, nhìn lại tình hình thu chi ngân sách thời gian vừa qua thì dường như mục tiêu giữ cân bằng ngân sách sẽ là những thách thức không hề nhỏ.

Cụ thể, tổng thu ngân sách 2 quý vừa qua đạt 446 nghìn tỷ đồng, tương đương 49% dự toán năm (911,1 nghìn tỷ đồng), tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Và một trong những vấn đề “đau đầu” nhất của ngân sách năm nay chính là việc giá dầu sụt giảm mạnh so với dự kiến. Tính trung bình 6 tháng đầu năm 2015 giá dầu chỉ đạt 60 USD/thùng, giảm 40 USD so với dự kiến. Chính vì thế, thu ngân sách từ dầu thô 6 tháng chỉ đạt 36 nghìn tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách đạt 545.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 47,5% dự toán năm.

Đáng chú ý là thời gian gần đây việc chi cho đầu tư phát triển đang bị giảm sút mà thay vào đó chi cho trả nợ - viện trợ và chi thường xuyên (lương) đã lấn át các khoản chi tiêu khác.

Cụ thể, chi thường xuyên nuôi bộ máy hành chính vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm tới 69% tổng chi, chi trả nợ và viện trợ chiếm 14,6%. Trong khi chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt 86.600 tỷ đồng (trong đó phần lớn là chi cho đầu tư xây dựng cơ bản với 84.200 tỷ đồng).

Bội chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm ước tính là 99 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,56% GDP tính theo giá hiện hành và đã vượt chỉ tiêu tối đa Quốc hội cho phép (5,3% GDP).

“Bệ đỡ” cho bội chi cũng không chắc chắn

Theo một số chuyên gia kinh tế, có thể đầu năm số bội chi ngân sách lớn nhưng nếu cuối năm công tác thu ngân sách, vay nợ trong và ngoài nước thông qua việc phát hành trái phiếu hoàn thành được kế hoạch đề ra và việc chi được kiểm soát thì vấn đề bội chi ngân sách năm nay cũng không quá lo ngại.

Xong vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc này lại có vẻ không hề dễ dàng gì khi mà sau gần 7 tháng mà Kho bạc Nhà nước mới chỉ phát hành thành công hơn 84.000 tỉ đồng TPCP, tương đương 34% kế hoạch năm.

Mà một trong các nguyên nhân được chuyên gia này cho rằng, những quy định trong Nghị định 78 hiện nay đã khiến các nhà đầu tư dường như không còn mặn mà gì với thị trường trái phiếu.

“Nếu Chính phủ muốn phát hành thành công 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ như dự kiến thì Nghị định 78 cần được sửa một số quy định bất hợp lý về lãi suất và kỳ hạn hiện nay, nhưng Nghị định này không thể muốn là sửa được mà phải thông qua ý kiến của Quốc hội. Nhưng thời gian của năm 2015 thì không còn nhiều nữa” – Lãnh đạo một ngân hàng tham gia thường xuyên trên thị trường trái phiếu Chính phủ chia sẻ với chúng tôi.

Nguồn “trông đợi” thứ hai để giúp việc bội chi không vượt quá giới hạn đó là tăng cường công tác thu thuế và truy thu các khoản nợ đọng thuế hiện nay.

Tại Hội Nghị tổng kết 6 tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo và yêu cầu Tổng cục thuế năm nay phải tăng thu thêm ít nhất là 10% so với dự kiến; ngành Hải quan phải đảm bảo con số thu cả năm là 265 nghìn tỷ đồng (dự toán thu 260 nghìn tỷ đồng); đồng thời phải quyết liệt thu bằng được số tiền nợ đọng thuế 72 nghìn tỷ đồng mà doanh nghiệp đang nợ ngân sách hiện nay.

Nhưng nếu nhìn vào tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay của các doanh nghiệp (mặc dù đã bớt khó khăn) nhưng để có thể tăng thu từ nguồn này có lẽ sẽ là một điều cực kỳ khó.

Chính vì thế cũng hiểu tại sau, ngay sau khi được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng “giao nhiệm vụ” tăng thu thêm 10% lãnh đạo Tổng cục thuế chỉ dám hứa là sẽ cố gắng nhưng không dám khẳng định là sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này.

Mọi “cửa” thu đều không khả quan thì việc chi đúng dự toán, không vượt quá quy định là điều quan trọng nhất để giữ cho bội chi ngân sách năm nay không vượt dự toán. Nhưng xem ra nhiệm vụ này cũng không hề dễ dàng gì khi mà thông thường mức bội chi của 2 quý cuối năm bao giờ cũng cao hơn đầu năm do các công trình xây dựng cơ bản được đẩy mạnh giải ngân hơn những tháng đầu năm.

Theo Khánh Nhi

Cùng chuyên mục
XEM