Bộ Công thương: Tăng giá điện, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp cùng được lợi

02/02/2015 19:33 PM |

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với mức giá điện bán ra thấp hơn giá thành, quanh đi quẩn lại chỉ có EVN chịu lỗ. Doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư, mà doanh nghiệp Nhà nước lỗ thì Chính phủ phải bù lỗ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 2/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải một lần nữa khẳng định lại thông báo của Thủ tướng Chính phủ: Trước Tết không tăng giá điện.

“Còn sau Tết, có việc EVN đề xuất tăng nhưng Bộ Công thương cũng phải dựa theo quy định hiện hành, tùy theo thẩm quyền của mình và tùy tình hình thực tiễn sẽ có quyết định. Trong tháng 3, Bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ những việc liên quan đến giá điện. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến” – Thứ trưởng Hải cho biết.

Bộ Công thương cho rằng, xăng dầu đã thực hiện theo cơ chế thị trường, hướng tới giá tiệm cận giá thị trường. Tương tự, giá điện cũng phải tiệm cận thị trường.

“Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo giá điện bán ra đang thấp hơn giá thành, dẫn đến việc nếu không có sự thay đổi sẽ không ai muốn đầu tư để sản xuất điện năng vì giá bán ra rẻ hơn giá thành, không ai muốn đầu tư” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Với mức giá bán ra thấp như vậy, Bộ Công thương nhận định doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư. Quanh đi quẩn lại chỉ có Tập đoàn Điện lực (EVN) chịu lỗ. Mà “doanh nghiệp Nhà nước lỗ thì Chính phủ phải bù lỗ” – Thứ trưởng nói.

Với mức giá điện thấp như hiện tại, những người hưởng lợi là các nhà đầu tư sử dụng điện nhiều như xi măng, sắt, thép, tôn – những đơn vị sử dụng nhiều điện, nhưng Chính phủ Việt Nam lại phải bù giá.

Còn nếu tăng giá điện, Thứ trưởng cho rằng: “Doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau, phải giảm chi phí, tăng năng suất và đầu tư công nghệ để tiết kiệm. Như vậy cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp cùng được lợi”.

Trước đó, ngày 22/1/2014, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 3 Bộ, gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong cuộc họp này, Thủ tướng đã chỉ đạo EVN phải: Thứ nhất, rà soát những tính toán lại giá điện. Thứ hai, tính lại làm sao tăng năng suất lao động ngành điện. Và thứ ba, lưu ý việc quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3 -  5% so với giá điện hiện hành thì EVN mới được quyết định điều chỉnh giá, thay vì ngưỡng dưới 7% như hiện hành.

>> EVN, giá điện và thu nhập đầu người ở Việt Nam

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM