Bloomberg: “Việt Nam bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều công ty”

28/06/2015 08:51 AM |

TTCK Việt Nam đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Giá trị giao dịch trung bình trên Hose chỉ đạt khoảng 2.200 tỷ đồng (103 triệu USD) trong năm 2014, so với mức 8,9 tỷ USD tại Hồng Kông, theo dữ liệu của Bloomberg.

Việt Nam sẽ loại bỏ giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều công ty niêm yết, đây là một bước đi nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư và giảm bớt những biến động thị trường.

Theo một tuyên bố trên website của Chính phủ vào thứ 6, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép tăng nắm giữ cổ phần có quyền biểu quyết trong một số ngành công nghiệp từ mức 49% hiện nay lên 100%.

Nghị định sẽ có hiệu lực vào tháng 9, tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chỉ ở mức 30%.

Theo CTCK Vndirect, hiện có khoảng 30 công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức giới hạn 49%. Các nhà đầu tư như Templeton Emerging Markets Group và Dragon Capital Group Ltd cho biết họ đã không thể mua được lượng cổ phiếu như họ mong muốn tại những công ty hấp dẫn trên thị trường.

“Ngay khi việc nới room được diễn ra, bạn sẽ thấy một cuộc chạy đua để mua các cổ phiếu Bluechips”, ông Patrick Mitchell, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức CTCK VinaSecurities nhận định.

VnIndex đã tăng 6,6% trong năm nay và đây là mức tăng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cơ quan quản lý tại Việt Nam đã nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài là một trong những chìa khóa thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

“Người thay đổi cuộc chơi”

Việc nới room cho khối ngoại lên mức tối đa sẽ giúp thay đổi cuộc chơi và “ngay lập tức khiến Việt Nam trở thành thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á”, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư Vinacapital nhận định.

Các lĩnh vực chiến lược của Chính phủ có khả năng vẫn bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, ông Andy Ho cho biết. Những lĩnh vực này bao gồm ngân hàng, viễn thông, hàng không và quốc phòng.

Tính tới 25/6/2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 135,6 triệu đô trên TTCK Việt Nam, tiến tới năm thứ 9 mua ròng, theo dữ liệu của Bloomberg.

Vốn hóa thị trường của Việt Nam đạt khoảng 58,6 tỷ USD, trong khi vốn hóa thị trường lớn nhất khu vực là Singapore đạt 558,1 tỷ USD.

“Gia tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và sự chuyên sâu của các công ty niêm yết mới sẽ giúp thị trường Việt Nam giảm bớt biến động lớn trong tương lai”, ông Andy Ho nhận xét.

Trong quý 2/2015, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,44% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay từ mức 5,98% trong năm 2014.

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM