Bình ổn giá là chương trình dành cho người giàu?

24/12/2014 09:09 AM |

Với mức chi mấy trăm tỷ mỗi năm, ông Phú cho rằng chương trình bình ổn giá của Hà Nội chưa hiệu quả như chương trình bình ổn giá tại TPHCM.

Tại hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử” sáng 23/12, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Thành phố Hà Nội – cũng đã bày tỏ quan ngại về sức cầu tại thị trường Hà Nội, dù chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán.

Nỗi lo tồn kho khi cầu yếu

“Các đơn vị vẫn đang chuẩn bị hàng Tết. Nhưng tôi theo dõi thấy các đơn vị chuẩn bị hết sức dè dặt, thậm chí có đơn vị mua đến đâu bán đến đó.Thậm chí, có đơn vị đến bây giờ còn giao lưu hàng đổi hàng để giải quyết hàng tồn kho. Tôi nói lại là sức cầu rất chậm. Họ (người tiêu dùng – PV) chỉ mua hàng hóa thiết yếu” – ông Phú cho biết.

Một yếu tố khiến sức cầu yếu, theo ông Phú, là do năm nay nghỉ Tết 9 ngày. “Do thời gian nghỉ Tết dài, họ đi xa khá nhiều, tiêu thụ ở thành phố sẽ giảm. Lực lượng người nghèo chiếm đến 85%, lương 3 - 4 triệu đồng thì việc tiêu Tết sẽ khiêm tốn”.

“Tôi dự đoán giá cả năm nay không có biến động lớn, trừ một số mặt hàng thiết yếu từ ông Công ông Táo trở đi cho đến 28 Tết như thịt gà, hủy hải sản tươi sống, rau quả cao cấp, có thể biến động mạnh hơn” – ông Phú nhận định.

Theo thống kê, hàng tồn kho của Hà Nội trong tháng 12 có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số tồn kho của một số ngành đã tăng gấp 2, gấp 3.

Báo cáo của Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, tại thời điểm 1/12/2014, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng đáng kể so cùng kỳ. Ngành có chỉ số tồn kho cao nhất là dệt (tăng 256,1%), kế đến là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 155,9%), sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 110,5%)...

Lý giải chỉ số tồn kho của Hà Nội tăng cao, Cục Thống kê TP Hà Nội cho rằng do vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất tích lũy hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, với sức cầu hiện tại, chỉ số trên là con số đáng quan ngại.

Bình ổn giá – chương trình dành cho người giàu?

Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mức cầu nội địa tương đối thấp đã hạn chế đà phục hồi đáng lẽ còn nhanh hơn của nền kinh tế. Theo báo cáo của WB, trong 10 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt mức 6,1% (theo giá trị thực), tăng so với mức 4,6% cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn đáng kể so với mức 15% năm 2010 – thời hoàng kim của ngành bán lẻ Việt Nam.

Doanh số bán lẻ tại thời điểm tháng 10/2014 chưa bằng 50% thời điểm hoàng kim. Nguồn: WB/Tổng cục Thống kê.

Doanh số bán lẻ tại thời điểm tháng 10/2014 chưa bằng 50% thời điểm hoàng kim. Nguồn: WB/Tổng cục Thống kê.

Trong khi sức cầu yếu như vậy, chương trình bình ổn giá tại Hà Nội, theo ông Phú, “cũng tốt, nhưng tỷ lệ áp đảo thị trường chỉ chiếm 5-8% - không có giá trị áp đảo mà chỉ mang tính góp phần cho thị trường”. Trong khi đó, 70% quỹ này thực hiện ở các siêu thị, tức là phục vụ bình ổn cho người giàu, với các mặt hàng không đại diện cho chung cho người tiêu dùng nên chương trình bình ổn của Hà Nội không có hiệu quả cao, ông Phú nhận định.

Với mức chi mấy trăm tỷ mỗi năm, ông Phú cho rằng chương trình bình ổn giá của Hà Nội chưa hiệu quả như chương trình bình ổn giá tại TPHCM. TPHCM đã bỏ chương trình bình ổn giá theo lãi suất 0%, thay vào đó, tạo kết nối cung – cầu rất hiệu quả.

“Tôi cho rằng, phải bỏ bầu sữa bao cấp, tổ chức kết nối cung – cầu, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức cho người mua – người bán gặp nhau, tổ chức lại sản xuất... đấy mới là cái cơ bản” – ông Phú bày tỏ.

Giá xăng giảm gần 30%, giá tiêu dùng vẫn cao ở mức vô lý

“Giá xăng đã giảm 12 lần trong mấy tháng nay, đó là tin mừng cho người tiêu dùng. Nhưng niềm vui của chúng ta chưa trọn vẹn vì giá vận tải, hàng hóa chưa giảm hoặc giảm rất ít. Cái này chưa tương xứng với giá xăng giảm gần 30%”.

Điều này đòi hỏi sự thúc đẩy của cơ quan quản lý Nhà nước tác động, thậm chí còn phải kiểm soát giá thành những đơn vị lớn về vận tải và kinh doanh hàng hóa để có thể hạ giá hàng xuống nhân dịp Tết và các ngày lễ sắp tới, vì giá cả hiện nay đang đứng ở mức rất cao một cách vô lý do nhiều nguyên nhân” – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Thành phố Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết.

Mới đây, giá xăng đã giảm lần thứ 13 liên tiếp trong năm 2014 mới mức giảm kỷ lục, hơn 2.000 đồng/lít. Các doanh nghiệp vận tải mới đây cho biết sẽ tiếp tục giảm giá cước, tuy nhiên, việc giảm giá sẽ khó khăn khi phải tốn chi phí và ngừng hoạt động gần nửa ngày chờ kiểm định đồng hồ tính cước. Trong khi đó, giá các loại hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm.

>> Doanh nghiệp vận tải hứa giảm ngay giá cước

 

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM