Biểu giá điện: Đa số lựa chọn phương án vì người nghèo

24/09/2015 10:16 AM |

Những tranh cãi nên dùng biểu giá điện nào trong 3 biểu giá tính tiền điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tiếp tục được các chuyên gia, đại biểu mổ xẻ trong Hội thảo lấy ý kiến tổ chức ngày 23/9 tại Đà Nẵng.

Rất nhiều nông dân đại diện Hội Nông dân ở dải đất nghèo miền Trung lên tiếng về giá điện, đồng thời yêu cầu EVN giải đáp những khúc mắc bấy lâu nay.

Nên tăng giá điện với nhà giàu

Theo 3 phương án biểu giá điện mà ông Nguyễn Tiến Thỏa - đại diện Cty TNHH tư vấn quản lý và Phát triển Việt Nam (đơn vị xây dựng đề án bán lẻ giá điện) trình bày gồm: Phương án giữ nguyên giá điện 6 bậc như hiện nay; Tính đồng giá và phương án 3 là rút gọn từ 6 bậc xuống còn 3 - 4 bậc.

Riêng phương án 3, ông Thỏa cho biết, có 5 kịch bản để lựa chọn. Đa phần các đại biểu thống nhất phương án 3 và lựa chọn hoặc hoán đổi một trong số 5 kịch bản khác nhau. Theo đó, phương án 3 đáp ứng được các tiêu chí: mục tiêu an sinh xã hội, không để người nghèo gánh giá điện cao, tránh chồng chéo, phức tạp như cách tính 6 bậc và bắt buộc nhà giàu tiết kiệm điện.

“Riêng năm 2015, Nhà nước đã bỏ ra khoảng 2,1 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo dùng điện với mức dưới 50 kWh/tháng. Mỗi hộ như thế được hỗ trợ 49 ngàn đồng/tháng thông qua chi trả từ địa phương chứ không tính vào giá điện.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, khi nguồn thu giảm, đó là một con số rất lớn”.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, phương án 3 hợp lý nhất. Dẫu cách tính này chưa phù hợp lắm với cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần quan tâm tới người nghèo nhiều hơn nữa.

Vị đại diện này lựa chọn kịch bản 2 phương án 3. “Có khoảng 80% số hộ dân dùng 50 - 150 kWh/tháng. Như vậy, theo tôi, đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi kịch bản tăng giá điện theo lũy tiến chính là các hộ dùng 50 - 200 kWh.

Như vậy, phải giảm giá cho khung này và tăng giá tiền cao hơn nữa đối với các hộ dùng điện trên 200kWh”. Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đồng ý phương án 3, nhưng là kịch bản 3 và cho rằng, cần giảm khoảng 50 đồng/kWh đối với các hộ dùng 50 - 100kWh (những hộ thu nhập thấp), đồng thời tăng thêm 250 đồng/kWh với những hộ dùng trên 200kWh/tháng.

“Nếu tính như thế, đảm bảo 3 tiêu chí: Quan tâm đến người nghèo, an sinh xã hội; Giảm bù chéo; Đảm bảo cân đối chi phí sản xuất điện cho EVN” - ông Hải khẳng định.

Tiết kiệm, nhưng cũng phải thúc đẩy kinh tế

Không đồng ý với đa phần ý kiến trên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm cho rằng, cách tính giá điện của EVN hiện nay là chưa minh bạch. Ngoài ra, cách ghi số điện trên công tơ cũng chưa có ai giám sát. “Các anh (EVN) cứ ghi số điện thế nào, ngày nào thì khách hàng chỉ biết thế mà trả. Ai giám sát các anh?” - ông Lâm nói.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, cách tính giá điện theo biểu giá lũy tiến như hiện nay, kể cả theo phương án 3 cũng chưa hợp lý, vì ngành điện chưa tính theo cơ chế thị trường các mặt hàng đầu vào sản xuất. Ví dụ, nếu giá xăng dầu, than… lên hoặc xuống thì không biết EVN sẽ tăng hoặc giảm giá điện như thế nào nếu tính theo 6 hoặc 3 - 4 bậc. Như thế sẽ rất phức tạp.

“Tại sao chúng ta không tính đồng giá như Singapore hoặc các nước tiên tiến khác? Chúng ta hỗ trợ người nghèo nhưng phải bằng cách khác, không thể cứ để người nghèo mãi mãi ỉ lại, không tìm cách thoát nghèo. Như thế sẽ không thúc đẩy nền kinh tế, không khuyến khích người nghèo vươn lên, tìm cách sản xuất. Với biểu giá lũy tiến, nhiều hộ sẽ không dùng điều hòa, tủ lạnh… hoặc các thiết bị khác. Như vậy liệu có thúc đẩy được sự phát triển kinh tế không? Đồng ý là tiết kiệm, nhưng song song cũng cần thúc đẩy phát triển. Điện là hàng hóa, cần phải tính căn cứ theo các mặt hàng đầu vào khác” - ông Lâm khẳng định.

Ông Trần Phước Hiền (Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, phương án 3, kịch bản 1 là hợp lý nhất. “Đối với hộ nghèo, ta hỗ trợ trực tiếp chứ không thông qua giá điện. Nếu chúng ta cứ chăm chăm đánh vào túi tiền nhà giàu cũng rất dễ tạo ra sự mất công bằng” - ông Hiền nói.

Ngăn chặn dùng điện tràn lan

Thừa nhận phương án đồng giá điện sẽ giúp EVN dễ dàng quản lý hành chính, vận hành trơn tru và bớt phức tạp so với cách tính lũy tiến theo 6 bậc như hiện nay, tuy nhiên, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng GĐ EVN cho rằng, như thế sẽ đi ngược lại chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Ngoài ra, ông Tri cũng cho rằng, tiết kiệm điện là chuyện vô cùng quan trọng, nhất là bối cảnh thiếu điện hiện nay và trong thời gian tới.

Theo ông Tri, nếu tính đồng giá, nhà giàu sẽ có lợi, hộ nghèo chịu thiệt và quan trọng nhất, nhiều hộ dùng điện tràn lan trong giờ cao điểm. Ông Tri dẫn chứng, giờ cao điểm, có những lúc cả nước dùng lên tới 25 ngàn MW điện. Trong khi đó, số điện sẵn có khoảng 35 ngàn MW chỉ là trên lý thuyết.

“Thực tế, nhiều nhà máy duy tu, bảo dưỡng, nhiều nơi không phát điện… nên con số đáp ứng kịch trần chỉ khoảng 27 - 28 ngàn MW. Nếu khách hàng không tiết kiệm, tắt bớt thiết bị, bắt buộc EVN phải cắt điện, giảm tải một số nơi. Trong điều kiện thời tiết 35 - 37oC, ai sẽ chịu cảnh bị cúp điện? Vì thế, khách hàng cần tự tiết kiệm và cách tốt nhất là đánh vào kinh tế. Chúng tôi cần phải ngăn chặn dùng điện một cách tràn lan trong giờ cao điểm. Đó là cách bắt buộc tiết kiệm điện” - ông Tri cho biết.

Theo Nam Cường

Cùng chuyên mục
XEM