BIDV sáp nhập MHB tỷ lệ 1:1, vì sao?

15/04/2015 08:33 AM |

“BIDV sẽ sáp nhập với MHB theo tỷ lệ 1:1 và theo hình thức bàn giao nguyên trạng”. Đó là tiết lộ của ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV trước câu hỏi về vụ sáp nhập đang gây sốt trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.

Nội dung nổi bật:

- Về vốn điều lệ, tổng tài sản, các chỉ tiêu về quy mô tín dụng và huy động vốn của BIDV luôn lớn hơn nhiều lần so với MHB nên tỷ lệ hoán đổi 1:1 không khỏi khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BID băn khoăn trước sự chênh lệch nói trên.

- BIDV không đề xuất với NHNN về việc đưa các Ngân hàng khác vào sáp nhập với BIDV. Còn nếu là nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận.

- Ông Trần Bắc Hà cho biết chiến lược của BIDV trong thời gian tới là đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Bắc Hà, MHB một sự bổ sung phù hợp cho các mục tiêu phát triển của BIDV.


Tại sao lại là 1:1?

So sánh một cách đơn giản, vốn điều lệ của Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV hiện tại là 28.112 tỷ đồng - lớn gấp 8 lần Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long MHB (3.369 tỷ đồng). Về tổng tài sản, năm 2014, BIDV cũng lớn hơn MHB tới 14,5 lần.

Picture 1

Với quy mô vượt trội, các chỉ tiêu về quy mô tín dụng và huy động vốn của BIDV cũng luôn lớn hơn nhiều lần so với MHB.

BIDV - MHB.png

Và không có gì lạ nếu lợi nhuận của MHB là quá nhỏ khi đặt cạnh ông lớn BIDV. Nếu như EPS năm 2014 của BIDV đạt gần 1.400 đồng thì EPS của MHB chỉ khoảng hơn 400 đồng.

Picture 2

Chính vì thế, mặc dù biết việc sáp nhập MHB vào BIDV là một trong những thương vụ thuộc giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu ngân hàng (với sự tham gia của các ngân hàng lớn) nhưng tỷ lệ hoán đổi 1:1 không khỏi khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu BID băn khoăn trước sự chênh lệch nói trên.

Theo ông Trần Bắc Hà, do cả 2 ngân hàng, sở hữu của Nhà nước đều giữ tỷ lệ chi phối. Vì vậy, bản chất của việc sáp nhập này là chuyển dịch sở hữu nhà nước từ ngân hàng này sang ngân hàng kia.

“Khi sáp nhập vào, thị giá BID theo tôi cũng sẽ không thay đổi mà chỉ tốt lên. Còn trên OTC, giá cổ phiếu MHB đang nhích lên.” – ông Bắc Hà nhận định.

Chủ tịch của BIDV cũng nêu rõ quan điểm: “BIDV không đề xuất với NHNN về việc đưa các Ngân hàng khác vào sáp nhập với BIDV. Còn nếu là nhiệm vụ, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Tất nhiên khi sáp nhập đều phải tuân thủ Thông tư 04 với nguyên tắc tự nguyện”.

MHB là một sự bổ sung phù hợp cho BIDV

Theo báo cáo của Ban điều hành ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long MHB, tính đến 31/12/2014, tỷ lệ nợ xấu của MHB là 2,72%, lợi nhuận trước thuế đạt 162 tỷ đồng, lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng VAMC là 353 tỷ, DPRR tín dụng và trái phiếu VAMC đã trích là 191 tỷ.

Năm 2014 cũng đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng với mức tăng 13,8%, tổng dư nợ đạt trên 30.605 tỷ đồng (bao gồm cả phần bán cho VAMC và sử dụng quỹ dự phòng 2014). Tín dụng của MHB tập trung cho các ngành nghề thuộc nông, ngư nghiệp; công nghiệp phụ trợ, chế biến …

Ông Trần Bắc Hà cho biết chiến lược của BIDV trong thời gian tới là đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay BIDV đang tăng cường cho vay với lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao đối với bò giống, bò thịt, bò sữa, heo giống, heo nái… và ứng dụng công nghệ của Israel trong trồng trọt.

Chính vì vậy, việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mở rộng lĩnh vực cho vay của BIDV sang nông nghiệp nông thôn và gia tăng nguồn lực cho tín dụng nông thôn của BIDV.

Mặt khác, MHB cũng là Ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ, theo ông Bắc Hà, đó là một sự bổ sung phù hợp cho các mục tiêu phát triển của BIDV.

“Tôi khẳng định quyền lợi của cổ đông sẽ không có ảnh hưởng lớn vì tổng tài sản của MHB không lớn so với tổng tài sản của BIDV. Tôi cũng cam kết với các nhà đầu tư tiềm năng về nợ xấu, chất lượng hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập. Lợi nhuận năm 2015 sau sáp nhập có thể cao hơn 7.500 tỷ và nợ xấu chưa đến 3%. Cổ tức cũng sẽ cao hơn, dự kiến là 9,4%.” - Ông Bắc Hà khẳng định.

>> Sáp nhập ngân hàng: Những chuyện hậu trường

Theo Thanh Mao

Cùng chuyên mục
XEM