BIDV chưa tính mua lại hay sáp nhập DongABank

16/08/2015 22:00 PM |

Đại diện BIDV khẳng định, với sự hỗ trợ của ngân hàng này, thanh khoản cũng như lợi ích của người gửi tiền ở DongABank tiếp tục được bảo vệ.

Ngày 14/8, NHNN công bố thông đến việc kiểm soát đặc biệt Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), sẽ miễn nhiệm và đình chỉ nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này. Đồng thời, NHNN sẽ cử các cán bộ có năng lực của BIDV sang điều hành, quản trị và kiểm soát DongABank.

Sau thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Hoà, Phó tổng giám đốc BIDV – đơn vị được chỉ định tham gia kiểm soát đặc biệt DongABank.

* Thưa ông, vì sao BIDV lại tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt của ngân hàng Đông Á?

Ông Lê Kim Hoà: Việc tham gia của BIDV vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định. Điều này phù hợp với qui định của pháp luật và của ngành.

Thông tư 07/2013 ngày 14-3-2013 nêu rõ trường hợp kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, theo đó “thành viên Ban kiểm soát là cán bộ của NHNN, của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia ngân hàng, cán bộ của các ngân hàng khác do NHNN trưng tập”.

* Gần đây cũng có trường hợp NHNN chỉ định các ngân hàng như Vietinbank tham gia hỗ trợ OceanBank và GP.Bank, Vietcombank hỗ trợ VNCB, rồi trước đó là BIDV hỗ trợ sáp nhập SCB – Tín Nghĩa – Đệ Nhất. Phải chăng các ngân hàng thương mại nhà nước đang đóng vai trò chủ chốt trong tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng?

Đúng thế. BIDV là ngân hàng có sở hữu cổ phần áp đảo của Nhà nước, đồng thời BIDV đã có kinh nghiệm trong xử lý các tổ chức tín dụng trước đây như Ngân hàng TMCP Nam Đô năm 1999; hỗ trợ hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, SCB năm 2011 và gần đây là sáp nhập MHB vào BIDV.

* Ban kiểm soát đặc biệt ngân hàng Đông Á sẽ thực hiện những việc gì cụ thể thưa ông?

Chúng tôi có bốn việc. Đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản của Đông Á, bảo vệ và đảm bảo lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo sự ổn định của hệ thống và góp phần ổn định kinh tế-xã hội.

Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ Đông Á theo qui định pháp luật, tức là theo đúng qui định về kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng.

Thứ ba là đánh giá thực trạng hoạt động, có biện pháp xử lý theo qui định.

Thứ tư là cơ cấu lại và ổn định hoạt động của Đông Á.

* BIDV đánh giá như thế nào về triển vọng của Đông Á?

Hiện tại chúng tôi chưa có thật đầy đủ thông tin để có thể đánh giá chính xác thực trạng Đông Á nên e rằng đưa ra đánh giá về triển vọng thì hơi sớm. Tuy nhiên như BIDV được biết, Đông Á có 7 triệu khách hàng; trên 220 chi nhánh, phòng giao dịch; phát triển tương đối tốt dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đặc biệt dịch vụ thẻ của Đông Á dựa trên hệ thống công nghệ hiện đại.

Trên nền tảng đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và BIDV, chúng tôi tin Đông Á sẽ có cơ hội phục hồi, phát triển sau khi khắc phục những khó khăn hiện tại.

* Sau hỗ trợ, BIDV có tính đến khả năng mua lại hay sáp nhập Đông Á vào BIDV không, thưa ông?

Chúng tôi chỉ cử nhân sự tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt và cử cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đông Á để quản trị, điều hành theo chỉ đạo của NHNN. Việc tham gia này không ảnh hưởng đến nguồn lực kinh doanh của BIDV.

Sau khi hỗ trợ Đông Á khắc phục xong những tồn tại, tiếp theo như thế nào chúng tôi sẽ tiến hành theo chủ trương chỉ đạo của NHNN. Hiện tại BIDV chưa tính đến phương án mua lại, sáp nhập Đông Á.

* Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM