Báo Tây kể chuyện tiếp cận các trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam

18/08/2015 11:39 AM |

700 con gấu đã chết trong năm nay tại các trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam do bị bỏ đói hoặc nhiễm trùng.

Theo tổ chức Động vật Châu Á, khoảng 700 con gấu đã chết trong năm nay tại các trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam do bị bỏ đói hoặc nhiễm trùng. Người sáng lập của tổ chức này cho biết có hơn 12.000 con gấu được nuôi trong các trang trại tại Việt Nam và Trung Quốc. Việc khai thác mật gấu từ những con gấu sống gây ra những tổn thương và các vấn đề về sức khỏe lâu dài cho chúng.

Nỗi đau không nói lên lời

Nuôi gấu lấy mật và các bộ phận cơ thể chúng có truyền thống khoảng 3.000 năm và kéo dài tới tận ngày nay, phần lớn tại Việt Nam, Lào, Hàn Quốc và Trung Quốc. Mật gấu được chiết xuất từ túi mật của những chú gấu đen châu Á và gấu chó Malaysia, chủ yếu được các khách hàng Hàn Quốc, Trung Quốc yêu thích vì họ cho rằng đây là một liều thuốc chữa bách bệnh, từ thâm tím đến ung thư.

Việc chiết xuất mật gấu khiến những con gấu bị nhiễm trùng túi mật, ung thư gan, bệnh tim và mù lòa.

Một chú gấu đang đợi rút mật tại một trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam

Nông dân lấy mật từ các ống thông cấy vào túi mật những con gấu hoặc bằng cách khoét một lỗ nhỏ trong bụng con gấu để từ đó mật từ từ chảy ra. Tìm một trang trại mật gấu tại Việt Nam chẳng có gì khó khăn, nhưng vào được bên trong trang trại lại là một vấn đề khác. Từ chó bảo vệ đến những gã cầm súng săn luôn để mắt xung quanh, vì giờ việc khai thác mật gấu từ gấu nuôi là bất hợp pháp.

Bên trong những trang trại gấu ở tính Phúc Thọ, gấu ngồi gù trong lồng gỉ chật chội, thở hổn hển bởi nhiệt độ cao mà độ ẩm thấp. Nhiều con gầy gò, nhiều con chỉ còn có ít lông. Bất chấp lệnh cấm, nuôi gấu lấy mật vẫn là một thực tế phổ biến. Ông Tuấn, Giám đốc Văn phòng Động vật Châu Á của Việt Nam giải thích rằng: “Nuôi gấu lấy mật là một vấn đề phức tạp đến nỗi vẫn chưa có lời giải đáp tại sao thực tiễn này vẫn tồn tại. Nhưng đối với tôi, có hai vấn đề chính: luật pháp chưa hoàn chỉnh và vẫn có nhu cầu dùng mật gấu.”

Từ năm 2005, việc nuôi gấu lấy mật đã bị cấm theo Công ước về buôn bán các loại động vật quý hiếm. Nhưng nông dân đang lách luật bằng cách coi những chú gấu như vật nuôi và giữ kín chúng khỏi tầm mắt của cơ quan nhà nước.

Tuyên truyền, giáo dục mới là biện pháp thiết thực

Tổ chức Động vật Châu Á đã tiến hành một cuộc khảo sát năm 2011 trên 60.000 bác sỹ y học cổ truyền Việt Nam. 40% trong số đó cho biết họ kê đơn thuốc dùng mật gấu cho liệu pháp chữa trị bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, và cho cả những bệnh thông thường như đau họng, bầm tím, đau thắt cơ, và sốt.

Cho dù pháp luật có thể hạn chế việc mua bán mật gấu, nhưng quan trọng hơn là cần giáo dục người dân về thực tiễn khai thác mật gấu đồng thời cung cấp những liệu pháp thay thế, từ đó mới có khả năng giảm nhu cầu tiêu thụ mật gấu.

Những bác sĩ vẫn coi mật gấu là một trong những phương thuốc chữa bệnh hữu hiệu

Như một lời hồi đáp từ thực tiễn sử dụng mật gấu tại Việt Nam, tổ chức Động vật Châu Á đã phát động một chiến dịch giáo dục chính những “lương y” cũng như người dân về những phương thuốc thay thế mật gấu.

Trong chiến dịch này, họ đã nêu bật những điều kiện sống cùng cực bên cạnh những nỗi đau khủng khiếp mà lũ gấu phải trải qua trong môi trường nuôi nhốt. Và không một ai khi nhìn thấy thực tiễn nuôi gấu lấy mật đó – sự tàn ác và những nỗi đau kéo dài – lại có thể cho rằng hành vi lấy mật gấu là vô hại.

Các chương trình giáo dục và việc thực thi pháp luật tại Việt Nam dường như khá hiệu quả. Giá mật gấu giảm 85% tại Việt Nam kể từ năm 2011. Nhưng nhu cầu tại Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn rất cao.

Tổ chức Động vật Châu Á đã giải cứu được 20 con gấu trong năm nay. Trong số gấu đó, có 17 con bị mất chân, 4 con bị mù và một vài con thì bị béo phì do ăn cơm và thịt thừa thay cho rau và hoa quả mà đáng lẽ chúng cần trong tự nhiên. Những con gấu dường như không thể đi tự nhiên sau khi được giải cứu. Hầu hết đều bị tổn thương đến nỗi không thể quay về sống trong môi trường tự nhiên. Một số con khác chưa có đủ kỹ năng tự thân sinh tồn.

Ngọc Quân

Cùng chuyên mục
XEM