“Bàn tay vô hình” bó tay với giá cước taxi Sài Gòn, cần một bàn tay khác cứng rắn hơn?

19/02/2016 12:34 PM |

“Bàn tay vô hình” của Adam Smith đang bó tay với giá cước taxi Sài Gòn, phải chăng cần một bàn tay chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu đúng theo lý thuyết “bàn tay vô hình” của nhà kinh tế học Adam Smith thì khi giá xăng dầu giảm, giá thành vận tải sẽ hạ và tất yếu dẫn đến việc một số doanh nghiệp giảm giá cước để thu hút thêm hành khách.

Để cạnh tranh các doanh nghiệp khác cũng phải giảm giá theo.

Sau khi Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá, ngày 18/2 vừa qua giá xăng Ron 92 chỉ còn khoảng 13.800 đồng/lít .

Nghịch lý là giá cước taxi Sài Gòn hiện vẫn bằng thời điểm giá xăng khoảng 16.000 đồng/lít dù theo Sở Tài chính thì giá xăng dầu chiếm chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá cước của doanh nghiệp, tùy vào loại xe sử dụng.

Cụ thể, giá cước của Vinasun và Mai Linh (hai hãng đang chiếm khoảng 75% thị phần taxi TPHCM) dòng xe 5 chỗ vào khoảng 15.000 đồng/km và dòng xe 7 chỗ là 17.000 đồng/km.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM và cũng là Phó Tổng Giám đốc Vinasun taxi để tìm hiểu lý do nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trên thực tế, theo khảo sát của chúng tôi hiện nay thị trường taxi ở Sài Gòn vẫn có những hãng đưa ra mức giá rất thấp. Đơn cử như hãng taxi vừa mới ra mắt hồi cuối tháng 12/2015 là Futataxi (thuộc công ty vận tải Phương Trang) có giá mở cửa là 8.000 đồng, trong phạm vi dưới 30 km là 13.000 đồng/km và từ km thứ 30 là 13.800 đồng/km.

Đáng tiếc là hiện nay Futataxi chỉ có khoảng 150 xe 5 chỗ hoạt động ở trung tâm Sài Gòn nên chưa thể tác động mạnh đến giá cước taxi, dự kiến khi hãng này phát triển đủ số lượng 2.000 xe như giấy phép của UBND TPHCM cấp thì sẽ vươn lên vị trí thứ 3 trên thị trường taxi Sài Gòn.

Khi đó, có lẽ thị trường taxi Sài Gòn mới có sự thay đổi.

Các chuyên gia chuyên ngành chỉ ra rằng, giá cước vận tải thường giảm không tương ứng với mức độ giảm của giá xăng dầu vì các doanh nghiệp đều tính theo lợi nhuận “cơ hội”.

Mỗi khi giá xăng giảm, các doanh nghiệp cố tình trì hoãn giảm cước để tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, các hãng taxi có những chiêu né giảm giá cước như viện dẫn việc thay đồng hồ tốn nhiều chi phí; chỉ giảm giá cước khi hành trình từ 30km trở lên, phí đường bộ BOT tăng…

Nhưng tựu chung, các ý kiến cùng cho rằng yếu tố độc quyền ảnh hưởng lớn tới giá cước taxi.

Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do từ trước đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự tính toán cũng như quy định cụ thể về mức giá cước cần điều chỉnh theo giá xăng dầu cho doanh nghiệp vận tải, khiến họ có cớ để “chây ì”.

Nhưng, tại Khoản 5 Điều 11 Luật Giá đã quy định rất rõ, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp biến động của yếu tố hình thành giá. Do đó, việc giảm giá cước theo giá xăng dầu là nghĩa vụ của doanh nghiệp vận tải, không thực hiện là cố tình làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt.

Cần nhắc lại rằng thời điểm 4/1, khi giá xăng còn khoảng 16.000 đồng/lít, Sở Tài chính TPHCM đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước. Hầu hết doanh nghiệp taxi, vận tải tuyến cố định đều kê khai giảm giá đúng tiến độ với mức giảm 300-500 đồng/km.

Tuy nhiên vẫn có 7 hãng taxi không chịu kê khai giảm giá cước và Sở Tài chính TP HCM đã ban hành văn bản xử phạt. Trong 7 doanh nghiệp “ù lì” có một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn ở TPHCM. Sau khi bị phạt, 7 hãng taxi này mới chịu giảm giá.

Điều đó cho thấy rằng nhiều doanh nghiệp taxi vẫn không muốn hoạt động theo kinh tế thị trường và họ chỉ chịu thua sau khi có sự can thiệp bằng biện pháp hành chính xử phạt từ cơ quan quản lý.

Có lẽ, người tiêu dùng Sài Gòn cần phải nhờ đến một bàn tay chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt như của Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nhằm đưa giá cước taxi đi theo đúng quỹ đạo của giá xăng dầu.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM