Ba thách thức cho sàn giao dịch cà phê

20/05/2015 09:16 AM |

BCCE là nơi mua bán cà phê Robusta loại 2 với hai hình thức giao dịch gồm hợp đồng giao ngay và hợp đồng tương lai

Theo dự kiến, đến tháng 8/2015, sàn giao dịch cà phê BCCE sẽ hoàn chỉnh hệ thống và đi vào hoạt động. Nhưng vẫn còn ba thách thức lớn chờ BCCE.

Khi Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) chính thức khai trương, nhiều người đã phấn khởi. BCCE là nơi mua bán cà phê Robusta loại 2 với hai hình thức giao dịch gồm hợp đồng giao ngay (spots) và hợp đồng tương lai (futures).

Khi Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) chính thức khai trương, nhiều người đã phấn khởi. BCCE là nơi mua bán cà phê Robusta loại 2 với hai hình thức giao dịch gồm hợp đồng giao ngay (spots) và hợp đồng tương lai (futures).

Nhiều điểm ưu Việt

BCCE được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk với vốn điều lệ 75,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk chiếm 42% vốn, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) chiếm 43% và hơn 10% của các cổ đông khác.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt của BCCE so với Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột trước đây là mọi giao dịch thực hiện tại BCCE sẽ được kết nối trực tiếp với Sàn giao dịch hàng hóa Liffe (Anh) và Chicago Mercantile Exchange (CME, Mỹ).

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc BCCE, việc kết nạp trực tiếp với sàn quốc tế, đặc biệt là sàn Liffe sẽ đảm bảo giá cà phê Việt theo sát giá thế giới, giúp xóa bỏ hiện tượng ép giá đối với người sản xuất cà phê, cũng như giảm bớt tình trạng bị giới đầu cơ làm giá.

Tuy mô phỏng chính xác cách giao dịch cà phê như sàn LIFFE, nhưng có một điểm khác biệt là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột khống chế biến động giá ± 4% so với giá tham chiếu, nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các sàn giao dịch cà phê thế giới không áp dụng cách này.

Theo ông Hải, để có thể giao dịch trên sàn quốc tế, ít nhất một lô hàng (lot) phải khoảng 10 tấn. Tuy nhiên, hiện 85% sản lượng cà phê toàn Tây Nguyên là từ các nông hộ với năng suất khoảng vài tấn/hộ, không đáp ứng điều kiện giao dịch trên thị trường quốc tế. Vì thế BCCE kết hợp hình thức giao ngay để tập hợp lượng cà phê từ các nông hộ đi vào sở giao dịch, sau đó gom những lô nhỏ thành lô đủ quy định giao dịch với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, khi có sản lượng ổn định, chất lượng được đảm bảo thì sẽ hạn chế được việc giá cà phê bị trừ lùi (giá bị giảm do các yếu tố về chất lượng hàng), thậm chí có khi còn được cộng thêm nếu có chất lượng tốt. “Việc BCCE liên thông với sàn quốc tế, một mặt giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong giao dịch.

Mặt khác giúp gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê không chỉ ở mức 3,5 tỷ USD như hiện nay mà sẽ gia tăng nhiều lần thông qua giao dịch tài khoản”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết.

Ba thách thức lớn

Theo ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh, người thường xuyên tham gia giao dịch trên sàn Liffe, để BCCE hoạt động tốt và không đi theo “vết xe đổ” của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột trước đây thì phải tìm cách lôi kéo các đại lý kinh doanh cà phê, các công ty kinh doanh, rang xay cà phê tham gia sàn.

Trước đây, một trong những nguyên nhân thất bại của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột là không thu hút được nông dân, các đại lý, nhà kinh doanh cà phê tham gia sàn giao dịch, do có quá nhiều quy định xa lạ với thói quen mua bán truyền thống.

Thách thức thứ hai là BCCE phải có đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, kể cả các đại lý của họ, trong việc thu mua cà phê của nông dân để thực hiện các giao dịch giao ngay.

Điều này không hề đơn giản, vì cả các doanh nghiệp FDI lẫn đại lý đều không chỉ thu mua mà còn hỗ trợ cho nông dân rất nhiều, từ giống, phân bón, thu hoạch, vận chuyển, tín dụng... Một thách thức nữa là thủ tục để hoàn chỉnh hệ thống quy trình trong nước, trước khi sàn đi vào hoạt động.

Hai giai đoạn của sàn BCCE

Giai đoạn 1, đến tháng 8/2015, BCCE sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình đầu tư trong nước gồm: mua - bán, nhận giữ hộ, ứng trước tiền bán, nhận ký quỹ giao dịch bằng tiền, cà phê và tài sản khác, mở tài khoản giao dịch tại BCCE…

Giai đoạn 2, niên vụ 2015-2016, tiến hành giao dịch chính thức có kết nối trực tiếp với sàn giao dịch quốc tế. Mục tiêu thu hút khoảng 20-30% tổng lượng cà phê xô giao dịch trong nước cũng như xuất khẩu.

Theo Đăng Lãm

Cùng chuyên mục
XEM