Ấn Độ: Ngoài xin việc, bằng MBA còn dùng để lấy vợ
Để "nâng giá" khi đi kiếm vợ, để nữ giới tuyên bố địa vị và để phụ huynh tự hào.
Nội dung nổi bật:
Tại Ấn Độ, bằng MBA đang trở nên "nhiều như rau", ngoài việc đem lại lợi ích về kinh tế, tấm bằng này còn mang nhiều giá trị khác:
- "Tăng điểm" trên thị trường hôn nhân.
- Để phụ huynh tự hào.
- Để nữ giới tuyên bố: "Tôi sinh ra không chỉ để giặt giũ với trông con".
Muốn tìm hiểu văn hóa và giá trị của một quốc gia? Chẳng cần đâu xa, hãy nhìn ngay vào hằng hà sa số những dòng tự "quảng cáo" bản thân nhằm thu hút nửa kia phù hợp trên các trang báo kiếm tìm bạn đời tại nước đó.
Ấn Độ cũng vậy, các bài báo quảng cáo tìm bạn đời đã thể hiện rõ mồn một tính chia rẽ và phân biệt đối xử tại quốc gia rộng lớn và phức tạp này từ địa vị, tầng lớp, tôn giáo cho đến màu da. Tại đây, ngoài những "ngoại hình ưa nhìn", "thủy chung, dễ bảo" thì điều gì khiến "đối tượng" "có giá trị" hơn? Đó chính là một tấm bằng MBA.
Không dùng để xin việc thì dùng mà kiếm vợ
"Trình độ của bạn quan trọng hơn nhiều so với ngành nghề", Gourav Rakshit, giám đốc điều hành tại Shaadi.com, một trong những trang web tìm bạn đời lớn nhất Ấn Độ với khoảng 10.000 lượt đăng ký mỗi ngày cho biết, "Người Ấn Độ coi đây là tiêu chí cực kỳ quan trọng khi chọn bạn đời tương lai".
Bằng MBA sẽ mang lại cơ hội việc làm tốt hơn cho mỗi người, nhưng có lẽ đây là một quan niệm sai lầm bởi các trường đại học quản trị tại Ấn đang mọc ào ào như nấm sau mưa.
Theo số liệu từ Hội Đồng Giáo Dục Kỹ Thuật Ấn Độ, lượng người học MBA tại đây tăng từ 114.803 (năm 2008) lên thành 313.920 (năm 2012). Hiện thị trường lao động Ấn Độ đang thừa mứa thứ bằng này. Các thạc sĩ quản trị kinh doanh tốt nghiệp từ các trường hạng hai, hạng ba nhận thấy, tuy tấm bằng không đảm bảo được một việc làm lương cao nhưng sẽ mang lại cho họ một thứ khác: sự "đắt giá" trong "thị trường hôn nhân".
Lương chưa chắc đã cao, nhưng của hồi môn chắc chắn "to"
"Học xong MBA, không cần biết bạn làm gì nhưng bố mẹ luôn có thể khoe: "Con tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh". Câu này khác hoàn toàn với: "Con tôi có bằng cử nhân". Bằng cử nhân bây giờ chẳng là cái gì hết", Hyderabad, sinh viên học viện Nghiên cứu quản lý Narsee Monjee cho biết.
Trong một cuộc khảo sát 20.000 sinh viên đào tạo MBA từ xa, Tập đoàn tư vấn giáo dục Parthenon thấy rằng một trong ba lý do hàng đầu để người người, nhà nhà theo học MBA là "tăng điểm" trong thị trường hôn nhân.
Amit Garga, giám đốc cấp cao tại Parthenon, cho biết: "Tấm bằng của những chương trình hạng hai, hạng ba chưa chắc đem lại việc làm cho bạn nhưng đổi lại, bạn sẽ được thứ khác trên thị trường hôn nhân". Nếu như tấm bằng này ở nơi khác mang lại một mức lương cao trên thị trường lao động thì tại Ấn, nó mang lại của hồi môn "hậu hĩnh" cho người sở hữu nó trên thị trường hôn nhân.
Nhưng vì ngày một nhiều nên giá trị của bằng MBA cũng giảm dần. "Thời nay, đi đến đâu ta cũng có thể bắt gặp được một tay thạc sĩ, kể cả ở những tầng lớp thấp của xã hội. Bằng MBA giờ nhiều như rau ngoài chợ", Amit Garga nhận xét.
Lời tuyên bố của nữ giới
Ở Ấn Độ, giá trị xã hội của bằng MBA đối với mỗi giới cũng khác nhau. Tại một xã hội mang tính gia trưởng thì tấm bằng càng quan trọng với nam giới. Nhưng khi quan niệm người vợ được phép ra ngoài làm việc ngày càng được đón nhận tại xã hội Ấn Độ hiện đại, tấm bằng MBA sẽ là lời cam đoan với chú rể và nhà chồng rằng cô dâu tương lai hoàn toàn có khả năng phụ giúp gia đình.
Xét từ góc nhìn của nữ giới, "treo" thêm tấm bằng MBA lên mẩu quảng cáo tìm bạn đời đồng nghĩa với việc gửi đi một tín hiệu kín đáo: "Tôi không thuộc về tầng lớp xã hội mà phụ nữ sinh ra chỉ để nội trợ và trông con".
>> Vì sao đi đâu cũng thấy CEO gốc Ấn?
Thùy An