ADB: Điều ngăn cản doanh nghiệp Việt phát triển là LÒNG TIN

24/03/2015 17:59 PM |

“Các DN có thể tăng trưởng hữu cơ một cách tự nhiên hoặc có thể hợp nhất với nhau tạo thành DN lớn, nhưng hiện tượng sáp nhập rất ít. Nhiều DN muốn giữ hoạt động kinh doanh trong phạm vi gia đình để an toàn, yên tâm hơn”.

Nội dung nổi bật:

- Hai nguyên nhân ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam phát triển, theo chuyên gia ADB, là Lòng tin và Tiếp cận vốn.

- Trong khi luồng vốn FDI vào Việt Nam đạt mức 7,3 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2007–2014, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất cho xuất khẩu. Con số này ở Malaysia và Thái Lan là gần gấp đôi - 60%.


Trả lời câu hỏi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng trưởng được hay không, và điều gì đang ngăn cản họ, tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2015, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – ông Dominic Mellor cho rằng, điều đầu tiên ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam phát triển là lòng tin.

“Các doanh nghiệp có thể tăng trưởng hữu cơ một cách tự nhiên hoặc có thể hợp nhất với nhau tạo thành doanh nghiệp lớn. Nhưng ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô hộ gia đình. Rất ít có hiện tượng sáp nhập. Đây cũng là văn hóa kinh doanh ở Việt Nam vì họ muốn giữ các hoạt động kinh doanh trong phạm vi gia đình để an toàn, yên tâm hơn”.

“Tôi tin trong thời gian tới điều này sẽ thay đổi, vì ngày càng có nhiều cải thiện trong quản lý doanh nghiệp. Chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản... Điều này sẽ giúp tạo niềm tin nhiều hơn đối với những người hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế. Họ sẽ tin tưởng hơn khi chúng ta có môi trường mới, khi các luật trên đi vào cuộc sống”.

Điều thứ hai cản trở doanh nghiệp, ông Dominic cho rằng, là yếu tố tiếp cận vốn. Theo chuyên gia của ADB, việc cần tăng cường thanh khoản trong ngân hàng để giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn đã được thảo luận nhiều. Nhưng, vấn đề ở đây không chỉ ở Cung – ngân hàng có tiền hay không mà còn ở Cầu – cần phải giải quyết được vướng mắc mà các doanh nghiệp tư nhân đang mắc phải khi tiếp cận tín dụng.

Tăng trưởng FDI, cần “chất” hơn “lượng”

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rất ít từ luồng vốn FDI.

Theo thống kê của ADB, luồng vốn FDI đạt trung bình 7,3 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2007–2014. Thương mại quốc tế phát triển làm cho tỉ trọng thương mại so với GDP tăng đến 170%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa công nghiệp tăng mạnh trong 5 năm vừa qua khi các công ty đa quốc gia xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam để lắp ráp sản phẩm như điện thoại di động và hàng điện tử, hoặc để sản xuất linh kiện như một công đoạn trong chuỗi sản xuất toàn cầu của họ.

Với luồng vốn FDI khổng lồ này, doanh nghiệp Việt Nam được gì?

[Xem thêm] Những đổ vỡ tỷ đô

ADB nhận định: Tại thời điểm này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ  (DNVVN) của Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu năng lực tham gia vào chuỗi cung cấp cho các nhà máy nước ngoài đầu tư.

Chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất cho xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan.

Chỉ có 21% DNVVN của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và tỉ trọng đóng góp của DNVVN vào xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

“Khi thu hút FDI, quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Quan trọng là thu hút được sự kết nối của các doanh nghiệp trong nước với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Điều này không tự nhiên xảy ra, mà Chính phủ phải có chính sách tạo thuận lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân, DNVVN để họ kết nối được với doanh nghiệp FDI nhiều hơn” – ông Dominic nhìn nhận.

“Mặc dù Chính phủ vẫn đang hỗ trợ phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phát triển DNVVN, song  do thiếu sự phối hợp liên ngành nên chính sách còn manh mún và việc thực hiện còn yếu kém” – báo cáo nhận định.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2015 dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng lên 6,1% trong năm 2015, thấp hơn mục tiêu 6,2% Chính phủ Việt Nam đặt ra. Mức GDP 6,1% này được ADB dự báo với giả định Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng, và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách tái cơ cấu.

Báo cáo nhấn mạnh: Mặc dù tình hình kinh tế Việt Nam có cải thiện hơn, song một loạt các yếu tố mang tính cơ cấu tiếp tục ngăn cản Việt Nam phát huy được tối đa tiềm năng tăng trưởng của mình.

"Nâng cao tốc độ tăng trưởng về lâu dài phụ thuộc vào khả năng cải cách cơ cấu sâu rộng hơn của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu" - báo cáo cho biết.

>> ADB dự báo GDP Việt Nam 2015 không đạt mục tiêu đề ra

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM