9 lần xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn đủng đỉnh

17/11/2014 09:03 AM |

Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp vận tải tự động giảm giá. Còn chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải giảm giá cước khi xăng dầu giảm chưa có. Vì thế, doanh nghiệp tranh thủ chậm giảm giá, thu lợi, còn người dân “thiệt đơn thiệt kép”.

Đã 9 lần xăng dầu giảm giá, nhưng cước vận tải vẫn... đủng đỉnh. Qua các lần điều chỉnh, giá xăng dầu hiện nay đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên, khảo sát đánh giá chung cho thấy các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải chính thức yêu cầu phải có các giải pháp quản lý giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với giá nhiên liệu, báo về Bộ trước ngày 30/11/2014.

Taxi tiên phong giảm cước

Trước chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, một số doanh nghiệp vận tải từng tăng giá cước theo thị trường nguyên liệu đã chủ động đề xuất giảm giá (đặc biệt là các hãng taxi).

Ông Hồ Chương, Phó chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, từ 14/11, Mai Linh sẽ giảm giá cước taxi tại Hà Nội và Tp.HCM từ 500 đến 2 nghìn đồng/km. Trước đó, tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Nguyên... giá cước hãng này đã giảm từ 1 - 2 nghìn đồng/km.

Tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Taxi Thanh Nga đã giảm 700 đồng/km, Taxi Group giảm 300 đồng/km và nhiều hãng taxi khác đang hoàn tất thủ tục giảm giá.

Tại Tp.HCM, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố, nhiều doanh nghiệp cũng đang đăng ký giảm giá cước, như giảm 500 đồng/km đối với tất cả các loại xe từ ngày 14/11.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn cho hay, từ tháng 10 tới nay, trên địa bàn đã có 4/11 doanh nghiệp taxi đăng ký giảm giá; 6/6 doanh nghiệp xe buýt kê khai giảm giá.

Còn tại Hải Phòng, 2 hãng taxi là Đất Cảng và Én Vàng cũng đã chính thức giảm giá cước. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, giá mở cửa giảm 2.000 đồng (từ 12 nghìn đồng xuống 10 nghìn), các km tiếp theo giảm từ 500 đến 1.000 đồng/km.

Bên cạnh khối các doanh nghiệp vận tải giảm giá, vẫn còn nhiều doanh nghiệp hiện không có kế hoạch giảm giá vì họ không hề tăng giá trong ba năm qua.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam nói rằng, các tuyến xe khách Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Thái Bình... và hầu hết các xe khách vẫn “gồng” mình giữ nguyên mức giá cước trong thời gian dài vừa qua, kể cả khi bị “ăn” vào vốn.

Còn với Vietnam Airlines, suốt từ năm 2011 đến nay, giá vé đều thấp hơn giá trần do Bộ Tài chính quy định. Hiện Vietnam Airlines có các dải vé từ 800 nghìn - 2,87 triệu đồng cho chặng Sài Gòn - Hà Nội, trong khi mức giá trần quy định là 3,4 triệu đồng.

Theo ông Bùi Việt Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải thủy, lần điều chỉnh giá gần nhất của doanh nghiệp là tháng 3/2011, lúc đó giá xăng là 21.100 đồng/lít, nay giá xăng 21.390 đồng/lít. Dù giá xăng có tăng cộng thêm hàng loạt chi phí nâng lên thời gian qua, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước.

“Chính vì doanh nghiệp chia sẻ với khách hàng suốt thời gian qua, nên vừa rồi, khi giá xăng giảm liên tiếp, không khách hàng nào yêu cầu doanh nghiệp giảm giá cước”, ông Hoàng nói.

Bỏ thói làm ăn “chộp giật”

Việc biến động lớn về giảm giá xăng dầu trong thời gian qua khiến bộ máy nhà nước cũng loay hoay, bởi khi giá xăng dầu giảm thì thị trường cước vận tải thế nào? Doanh nghiệp vận tải không đồng ý giảm cước, ai phạt?

Đến ngay người quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ biết nói: “Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp cùng Bộ Tài chính để thúc đẩy, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện giảm giá”.

Còn bà Lê Thị Lai, Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) cũng hứa: “Sẽ kiểm tra, đôn đốc giảm giá để đảm bảo quyền lợi ba bên: doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng”.

Thế nhưng, khi hỏi về chế tài, quy định giảm như thế nào, giảm bao nhiêu thì hoàn toàn “tự giác, do doanh nghiệp quyết, vì họ phải cân đối tài chính...”. Vậy nếu giá xăng dầu giảm 10, cước vận tải cứ giảm nhỏ giọt, cơ quan quản lý tính sao? Còn doanh nghiệp vẫn ung dung lãi lớn?...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: cần siết chặt quản lý hơn nữa, đặc biệt là bài toán tài chính tăng hoặc giảm. Phải tính toán xem xăng dầu chiếm bao nhiêu %, tiền lương công nhân, chi phí khác...

Từ đó, nếu thấy đầu vào giảm mà đầu ra vẫn cao thì đoàn kiểm tra có thể căn cứ vào Luật Giá, đề nghị Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải nơi doanh nghiệp kê khai giá chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại giá cước.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, việc kinh doanh vận tải được vận hành theo mô hình kinh tế thị trường, vì thế cước vận tải có tăng phải có giảm, tương ứng trên cơ sở chuyển động thị trường xăng dầu.

Việc doanh nghiệp cố tình trì hoãn giảm giá, tranh thủ kiếm lời có thể có, vì thế cơ quan nhà nước sẽ đẩy mạnh kiểm tra, minh bạch, những trường hợp kinh doanh “chộp giật” sớm muộn sẽ phải trả giá bằng chính uy tín và thương hiệu.

>> Petrolimex lãi hơn 400 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu

Theo Đinh Tịnh

Cùng chuyên mục
XEM