8 “căn bệnh” của doanh nghiệp Nhà nước lộ ra sau kiểm toán

11/07/2015 15:00 PM |

Mặc dù tình hình hoạt động kinh doanh của các DNNN cơ bản bảo toàn được vốn, nhưng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra: Hầu hết các đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay, trong khi đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí...

Tại buổi họp báo sáng 10/7, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho hay: Trong năm 2014, đơn vị này đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp, thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty.

Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn đến 31/12/2013 là 507.998 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 384.325 tỷ đồng; lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh 7.000 tỷ đồng; tổng chi phí 333.153 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể:

1- Nợ khó đòi lớn

Đồ họa: Thanh Niên.

Đồ họa: Thanh Niên.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn lớn.

Trong đó, tại Viettel, nợ quá hạn của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); DATC 507,21 tỷ đồng. Tại VEAM: công ty mẹ nợ 440,35 tỷ đồng; công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam 88 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM 87,94 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp Nhà nước cũng có các nợ khó đòi lớn như tại Tổng công ty Thép Việt Nam, nợ của CTCP Gang thép Thái Nguyên 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), Công ty mẹ 54,9 tỷ đồng (chiếm 8,3%)....

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi...

2- Để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển

Một số đơn vị quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, còn để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển.

Cụ thể, Viettel tồn kho 712,87 tỷ đồng. Tại VEAM, Công ty TNHH NN MTV Diesel Sông Công hàng tồn kho không cần dùng chờ thanh lý 12 tỷ đồng, Nhà máy Ô tô Veam thuộc Công ty mẹ 327,9 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty Giấy Việt Nam: Công ty mẹ tồn kho 15,5 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam 3,66 tỷ đồng...

Một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang không có nguồn bù đắp.

3- Đầu tư không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, mất vốn

Một số tổng công ty đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ. VTC đã đầu tư nhiều tài sản phải dừng hoạt động như: Hệ thống truyền hình kỹ thuật số 22,09 tỷ đồng; thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho một số trạm phát cấp tỉnh, cấp huyện; một số thiết bị thuộc dự án Hệ thống phát thanh truyền hình trên mạng Internet 1,76 tỷ đồng...

Nhiều tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể...

Các đơn vị có vốn chủ sở hữu âm có thể kể đến công ty con của TCT Xây dựng Đường Thủy - Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy I (âm 217,9 tỷ đồng); TCT Thép Việt Nam-CTCP: Công ty cổ phần Thép tấm miền Nam 11,33 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng miền Nam 5,3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất 12,22 tỷ đồng...

4- Thực hiện chậm tiến độ các dự án bất động sản

 

Hầu hết TCT có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư.

Tiêu biểu là dự án Cao ốc Valta của Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Tân Định xây dựng từ năm 2006 đến nay chưa hoàn thành, hay Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) đầu tư dự án DAP Hải Phòng chậm tiến độ hơn 60 tháng.

5- Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao

 

Kiểm toán Nhà nước xác nhận, do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.

Đơn cử như CTCP Đầu tư phát triển xây dựng số 1 là 31,33 lần, CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng khoáng sản Miền Trung 3,26 lần; Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng: Công ty mẹ 11,22 lần, Công ty TNHH MTV 36.55 là 15,62 lần; CIENCO 4 - Công ty Cổ phần 482 là 7,8 lần, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 492 là 5 lần, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 419 là 5,7 lần...

6- Phản ánh không đúng doanh thu, chi phí

Hầu hết các đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ quy định về đăng ký giá bán hàng hoặc chương trình khuyến mại với cơ quan quản lý Nhà nước. Trong danh sách này, Vinachem và Tổng công ty Thép Việt Nam một lần nữa ghi danh.

7- Sử dụng đất không hiệu quả

Một số tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, cùng với đó là tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước.

8- Chưa thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa

 

Hầu hết các TĐ, TCT được kiểm toán đã xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Cơ bản công tác xây dựng Đề án của các TĐ, TCT đã bám sát các hướng dẫn và yêu cầu tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, đã thành lập ban chỉ đạo, tổ chuyên ngành, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp.

Song đề án của một số TCT có nội dung chưa phù hợp; chưa thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc giải thể doanh nghiệp.

Trong đó, DIC chưa hoàn thành thoái vốn tại 5 công ty; TCT Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV: Chưa thoái vốn tại 14 công ty; Viettel: Chưa hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Công nghệ Viettel và Công ty cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex - Viettel; HUD: Công ty HUD Kiên Giang hoàn thành cổ phần hóa chậm 7 tháng...

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM