2,5 triệu thẻ tín dụng do ngân hàng phát hành sẽ phải 'chết'?

24/09/2014 15:39 PM |

Có ý kiến lo ngại rằng sau khi thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực, 2,5 triệu thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành sẽ phải “chết” hoặc chuyển đổi.

Hồi đầu tháng 5, Thủ tướng chính phủ ban hành nghị định số 39/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Đây được xem là văn bản mở đường cho nghiệp vụ mở thẻ tín dụng đối với các công ty tài chính mặc dù trước đó điều này đã được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Từ sau nghị định này, hoạt động phát hành thẻ tín dụng được san sẻ cho ngân hàng thương mại và công ty tài chính cùng khai thác. Nếu xét về lãi suất, thẻ tín dụng có lợi thế không bị ràng buộc khắt khe bởi những quy định về trần lãi suất như các hình thức vay thông thường. Ví dụ, cấp tín dụng qua hình thức này với một ngân hàng trong nước từ tháng 10/2013 duy trì mức lãi suất từ 24-26%/năm, có ngân hàng khác áp mức lãi suất là 31%/năm, hay một ngân hàng nước ngoài áp dụng mức từ 26-31,2%. Trong bối cảnh thừa thanh khoản và tình sức khỏe của các doanh nghiệp còn khá ảm đạm như hiện nay, tín dụng cá nhân có thể xem là cứu cánh cho các ngân hàng lẫn công ty tài chính.

Mới đây, Ngân hàng nhà nước ban hành thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính với quy định khá mới là: Ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính. Có ý kiến lo ngại rằng sau khi thông tư này có hiệu lực, 2,5 triệu thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành sẽ phải “chết” hoặc chuyển đổi. Liệu ý kiến quan ngại trên có đúng và các chủ thẻ tín dụng có đang đứng trước rủi ro không còn được sử dụng thẻ?

Đầu tiên, theo quy định của ngân hàng nhà nước, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính gồm 3 hình thức gồm: Cho vay trả góp, Cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng. Như vậy theo quy định của thông tư này, những ngân hàng nào thực hiện các nghiệp vụ trên mới phải thành lập công ty tài chính, không có nghĩa ngân hàng không còn được phát hành thẻ tín dụng.

Cần phải hiểu rõ cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ tín dụng là hai nghiệp vụ khác nhau của ngân hàng. Thẻ tín dụng là hình thức cấp tín dụng của ngân hàng cho khách hàng trong việc chi tiêu, mua sản phẩm dịch vụ với hạn mức nhất định. Theo quy định của các ngân hàng, khách hàng phải trả một phần của khoản tín dụng đã sử dụng vào thời điểm cố định trong tháng, phần còn lại được ngân hàng tính lãi như một khoản vay ngắn hạn. Tại Việt Nam hầu hết các ngân hàng đều phát hành thẻ tín dụng và đây là nguồn thu tiềm năng bởi mức phí, lãi suất khi sử dụng hình thức cấp tín dụng này khá cao so với các loại thẻ khác.

Trong khi đó, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng lại là một sản phẩm của nghiệp vụ cho vay thấu chi và không phải ngân hàng nào phát hành thẻ cũng có. Ví dụ, hình thức này được một số ngân hàng như Agribank, Citibank, VPBank áp dụng nhưng Techcombank lại không có nghiệp vụ này. Thẻ tín dụng chỉ là một sản phẩm có thể áp dụng cho vay thấu chi, ngoài ra ngân hàng còn có thể cho vay thấu chi qua thẻ ATM.

Tại Việt Nam hiện nay, thị trường thẻ ngân hàng đang phát triển mạnh tuy nhiên thẻ tín dụng vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Theo thống kê của ngân hàng nhà nước, tính đến hết quý 1/2014, số lượng thẻ do các ngân hàng thương mại phát hành ra thị trường đạt hơn 68 triệu thẻ trong đó thẻ tín dụng chỉ chiếm 3,6%, tức là gần 2,45 triệu thẻ. Như vậy với quy định mới của ngân hàng nhà nước, hoạt động cho vay thấu chi của các ngân hàng thương mại sẽ được thu hẹp lại nhưng việc phát hành thẻ tín dụng không hề bị ảnh hưởng.

Theo nhận định của lãnh đạo một ngân hàng, động thái này của ngân hàng nhà nước là một biện pháp “kỹ thuật” để tái cơ cấu công ty tài chính vốn “vất vưởng” từ lâu. Cũng có ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại sẽ giảm bớt được rủi ro từ việc cho vay tiêu dùng với những khách hàng dưới chuẩn nhưng đồng thời cũng sẽ khá vất vả khi mua lại các công ty tài chính vốn có tỷ lệ nợ xấu cao. Trong thời gian qua, làn sóng mua lại các công ty tài chính diễn ra khá mạnh mẽ như việc HDBank đã mua lại Công ty tài chính Việt –Sài Gòn hay như VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản,… Ai sẽ là người hưởng lợi nhiều hơn, chắc thị trường phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.

>> Quen "quẹt" thẻ tín dụng, 60% dân số Brazil nợ nần

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM