25 triệu người chưa mua bảo hiểm sẽ ra sao?

07/11/2015 09:30 AM |

Từ cuối tháng 11, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng. Người chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chịu tác động lớn nếu đến tháng 3/2016 vẫn chưa tham gia BHYT. Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

Tăng giá dịch vụ y tế tác động trực tiếp đến 25 triệu người dân chưa tham gia BHYT. Cơ quan soạn thảo thông tư tính đến vấn đề này thế nào?

Y tế phát triển phải đáp ứng sự hài lòng của người dân. Tăng giá để tăng chất lượng khám chữa bệnh, thu hút người dân tham gia BHYT. Người ta đã có tổng kết không chỉ Việt Nam mà cả các nước khác thì trong số các bẫy nghèo nguy hiểm nhất và sợ nhất là bẫy nghèo y tế vì nó rất vô hình, không dự báo trước, không loại trừ bất kỳ ai. Người ta đang khoẻ thành ốm và đang rất giàu khi ốm nặng có thể thành nghèo, đã nghèo thì nghèo hơn nữa. Muốn tránh được bẫy nghèo y tế thì con đường duy nhất là tham gia BHYT.

Khi tính toán tăng giá dịch vụ y tế chúng tôi đã tính đến tác động 25 triệu người dân chưa tham gia BHYT và cả các đối tượng đã tham gia BHYT nhưng ở những nhóm khác nhau như nhóm được BHYT chi trả 100%.

Mức tăng bao nhiêu không quan trọng, tăng bao nhiêu lần thì quỹ BHYT vẫn trả, người dân có bị chịu tác động cái đó đâu. Bởi lẽ, người chưa có thẻ BHYT thì đến tận tháng 3/2016 vẫn chưa phải trả cái gì cả. Tuy nhiên đó là khoảng thời gian tôi nói theo nghĩa của ngân hàng, khoảng “thời gian ân hạn” ưu đãi để người dân tìm hiểu thêm và tham gia BHYT. Tích cực của việc tăng giá viện phí là tính đúng tính đủ, thì bệnh nhân sẽ được quỹ BHYT trả thêm. Những người cùng chi trả 20% thì sẽ được giảm cùng chi trả.

Vậy tại sao không thực hiện BHYT toàn dân rồi mới tăng giá dịch vụ y tế, thưa ông?

Để thực hiện BHYT toàn dân quốc gia nào cũng có lộ trình, phải nâng được nhận thức của người dân lên về tầm quan trọng của việc tham BHYT, dù Luật BHYT bắt buộc nhưng người dân phải tự giác thì sự bắt buộc mới khả thi. Nước Đức mất hàng trăm năm, Hàn Quốc mất 70 năm, Việt Nam mất 20 năm để tiến tới BHYT toàn dân. Vì thế cần có thời gian thực hiện từng nấc một để người dân tham gia chứ không thể đợi tham gia 100% BHYT thì mới tăng giá được.

Tăng giá đồng loạt 1.800 dịch vụ là công việc hệ trọng. Liệu có đơn vị độc lập nào đứng ra tính toán xem giá dịch vụ y tế điều chỉnh như vậy có sát với thực tế không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Chưa có một đơn vị độc lập nào định giá dịch vụ y tế, khâu độc lập này quan trọng lắm vì không phụ thuộc vào ai hết. Một mình Bộ Y tế hay Bộ Tài chính không xây dựng được thông tư mà có sự tham gia của liên bộ và của Bảo hiểm xã hội. Đấy chính là sự quản lý, kiểm soát chéo lẫn nhau để hướng tới mức giá phù hợp nhất. Tuy nhiên, tôi cũng nói thật là định mức đó đã đúng, đã đủ chưa thì phải được kiểm nghiệm trên thực tế.

Muốn có giá phải có định mức, từ định mức mới ra chi phí, từ chi phí mới ra giá. Đến thời điểm này các nhà xây dựng và nhà soạn thảo thấy rằng định mức đó là phù hợp vì nó được xây dựng từ thực tiễn các cơ sở khám chữa bệnh họ gửi lên và đã được rà soát đối chiếu thì xác định được mức chuẩn. Nhưng rất có thể thực hiện được một vài tháng thì cái này thiếu, cái kia thừa sẽ điều chỉnh là chuyện bình thường.

Hiện còn nhiều người dân đang bị “hành” trong làm thẻ BHYT, nhiều địa phương tự ý vẽ ra đủ loại giấy tờ, ông có nắm được thực trạng này không?

Sắp tới sẽ tăng giá dịch vụ y tế, liệu chất lượng phục vụ có tăng? Ảnh: Ngọc Châu
Sắp tới sẽ tăng giá dịch vụ y tế, liệu chất lượng phục vụ có tăng? Ảnh: Ngọc Châu

Luật BHYT quy định trách nhiệm các cấp chính quyền, các cơ quan đã hết sức rõ ràng. Chúng tôi đã nhận được phản ánh từ người dân và chúng tôi xử lý ngay. Chúng tôi từng gọi điện yêu cầu đơn vị làm thẻ BHYT cho người dân ở tỉnh Nam Định không được bắt dân photo hộ khẩu, giấy khai sinh và bất kỳ giấy tờ gì nữa.

Có những địa phương trước khi quy định của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, khi lập danh sách hộ gia đình còn yêu cầu phải có trưởng thôn ký, chủ tịch xã ký thì bảo hiểm mới cấp thẻ, nhưng chúng tôi đã yêu cầu không cần thực hiện những điều đó nữa.

Trước hết phải tin dân, chỉ cần 1 người đại diện hộ gia đình lập danh sách là được rồi. Sau đó hậu kiểm thì cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ thực hiện. Khi hậu kiểm phải rành mạch, nếu sai từ phía nào phía ấy chịu, kể cả phía người dân nếu khai không đúng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cảm ơn ông.

Tăng giá chưa chắc đã tăng chất lượng

Chiều 6/11, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Điều chỉnh viện phí- Chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng như thế nào?”. Tham gia trả lời trực tuyến ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng: “Chúng tôi không dám chắc có tăng hay không. Ảnh hưởng đến chất lượng y tế đó là vấn đề con người. Điều này rất quan trọng, đó là vấn đề chất lượng chuyên môn. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế hiện nay chưa đề cập đổi mới vấn đề chuyên môn”.

Trả lời câu hỏi, tại sao ngành y tế không tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước, sau đó mới tính đến việc điều chỉnh viện phí, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ trước thì rất khó mà phải đi song song từng bước một, vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. “Quay lại chất lượng dịch vụ y tế, có nhiều yếu tố như chất lượng chuyên môn, trình độ, năng lực của cán bộ y tế, đây là yếu tố quan trọng nhất. Phải nói rằng có một số chưa đạt yêu cầu”, ông Nam Liên thừa nhận.

Theo Thái Hà

Cùng chuyên mục
XEM