10 câu chuyện “điên rồ” trên TTCK thế giới năm 2014

14/01/2015 08:00 AM |

Hủy niêm yết sau 1 tuần lên sàn, cổ phiếu tăng 1.900% vì nhà đầu tư nhầm lẫn ... là những câu chuyện kỳ lạ đã xảy ra trên thị trường chứng khoán thế giới trong năm 2014.

10. Hủy niêm yết 1 tuần sau IPO

Nhiều người ví von trường hợp này giống như “đẩy kem đánh răng trở lại ống sau khi đã bóp chúng ra”.

Vascular Biogenics  - một công ty công nghệ sinh học của Israel – đã niêm yết trên sàn Nasdaq hôm 1/8. Tuy nhiên công ty này đã rời khỏi sàn ngay sau đó – ngày 8/8.

Tình trạng này có liên quan đến điều mà công ty này gọi là ‘tình huống bất ngờ trong đó các cổ đông Mỹ không trả tiền cho số cổ phiếu mà trước đó họ đồng ý mua trong vụ IPO”.

9. Quỹ có tên “CUBA” tăng vọt

Tháng 12 năm ngoái, Nhà Trắng cho biết sẽ bắt đầu quá trình “bình thường hóa” quan hệ với Cuba.

Sau thông báo này, Herzfield Caribbean Basin Fund, quỹ được giao dịch với mã “CUBA” tăng tới 30%. Mục tiêu của quỹ này là đầu tư vào các cơ hội ở Caribe. Mặc dù hiện không có khoản đầu tư trực tiếp nào ở Cuba, quỹ này vẫn tin rằng các tài sản đầu tư của quỹ được bố trí để hưởng lợi từ việc Mỹ chấm dứt cấm vận ở Cuba.

8. Cổ phiếu biến động mạnh sau vụ bạo động ở Ferguson

Hồi tháng 8, các vụ bạo động nổ ra ở Ferguson, Missouri sau khi một cảnh sát da trắng bắn chết thiếu niên da màu Michael Brown.

Sau sự kiện này, cổ phiếu của TASER, công ty sản xuất các thiết bị chuyên dùng cho lực lượng thi hành luật pháp, đã tăng giá mạnh bởi nhà đầu tư nghĩ rằng diễn biến này sẽ buộc chính quyền buộc các sĩ quan cảnh sát phải mang theo camera.

Cổ phiếu của hãng tiếp tục tăng đến cuối năm 2014 và đã tăng gần 70% kể từ đầu năm đến nay.

7. Giá cổ phiếu tăng gấp 4 sau kết quả thử nghiệm tích cực

Cổ phiếu của hãng dược Intercept Pharmaceuticals đã tăng hơn 400% chỉ trong một vài ngày đầu tháng 1. Nguyên nhân là do công ty này ngừng thử nghiệm lâm sàng về bệnh gan sau khi xuất hiện những bằng chứng cho thấy lộ trình điều trị có hiệu quả.

Đến tháng 8, cổ phiếu của Intercept lại tiếp tục tăng vọt (tăng 45% trong 1 ngày) sau khi công bố những tin tốt lành khác về các nghiên cứu thuốc chữa bệnh.

6. Cổ phiếu của công ty dầu mỏ Civeo giảm một nửa

2014 là 1 năm tồi tệ đối với Civeo. Công ty cung cấp thiết bị cho các dự án khoan dầu và khai khoáng đã chứng kiến cổ phiếu giảm giá tới 45% trong tháng 9.

Trong tuần này, cổ phiếu này cũng có phiên giảm hơn 50% sau khi ngừng chia cổ tức và cắt giảm lượng vốn đầu tư do giá dầu giảm.

5. Cổ phiếu tăng 1.900% vì bị nhầm với công ty được Google mua lại

Đầu năm nay, Google mua Nest với giá 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng đây chỉ là một cổ phiếu “đáng giá vài xu”. Nestor là công ty bán hệ thống giao thông tự động cho các chính phủ và đã chứng kiến cổ phiếu tăng hơn 1.900% sau thông báo này.

Nguyên nhân là bởi mã cổ phiếu của công ty này là “NEST”.

4. “Ông lớn” công nghệ của Tây Ban Nha bị buộc tội lừa đảo

Công ty công nghệ đến từ Tây Ban Nha Let's Gowex bị công ty nghiên cứu Gotham City Research buộc tội lừa đảo và đã phải đệ đơn xin phá sản 5 ngày sau đó.

Tháng 7, Gotham City cho rằng 90% doanh thu của Let's Gowex là không có thật và chỉ một vài ngày sau, nhà cung cấp dịch vụ Wifi miễn phí này chứng kiến giá trị vốn hóa sụt giảm từ mức 1,4 tỷ euro xuống gần như bằng 0.

CEO của Let's Gowex đã gửi email có tựa đề “Tôi xin lỗi” đến toàn bộ nhân viên.

3. Cổ phiếu và dịch Ebola

Mùa thu 2014, cả nước Mỹ lo sợ trước dịch bệnh Ebola và các nhà giao dịch trên phố Wall đã tìm ra cách để tận dụng điều này: quần áo bảo hộ hazmat.

Lakeland Industries, công ty sản xuất các bộ quần áo bảo hộ này, đã chứng kiến cổ phiếu tăng hơn 60% trong 1 ngày.

Cổ phiếu của Lakeland được giao dịch ở mức 6 – 7% trong mùa hè và có lúc đã tăng lên mức 30 USD trong mùa thu. Đến cuối năm 2014, cổ phiếu của hãng chỉ còn ở mức dưới 10 USD/cổ phiếu nhưng vẫn tăng hơn 80% trong năm ngoái.

2. CEO và COO biến mất cùng toàn bộ tiền mặt của công ty

Tháng 9, công ty giày Ultrasonic của Trung Quốc thông báo CEO và COO của công ty đã biến mất sau kỳ nghỉ cuối tuần. Toàn bộ tiền mặt của công ty cũng “bốc hơi” cùng hai nhân vật này.

Cổ phiếu của công ty niêm yết ở Frankfurt đã giảm hơn 70% sau thông báo này.

1. Công ty công nghệ huy động được 5 tỷ USD dù không có doanh thu, tài sản và nhân viên

Tháng 7, công ty công nghệ CYNK Technology bỗng chốc trở thành cổ phiếu nóng nhất thị trường với giá trị vốn hóa lên đến 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ công ty này không có doanh thu, không có tài sản và không có nhân viên toàn thời gian nào. Trong mùa hè, cổ phiếu CYNK đã tăng gần 25.000% chỉ trong 16 ngày, từ mức vài cent lên hơn 10 USD/cổ phiếu.

Công ty này đang điều hành một trang mạng xã hội có tên miền introbiz.com mà CYNK cho rằng giúp kết nối người dùng với nhiều người nổi tiếng.

Tuy nhiên, đối với ít nhất 1 nhà giao dịch ở phố Wall, cố gắng theo đuổi cổ phiếu CYNK đã khiến anh mất việc.

>> Chứng khoán năm 2015: Nhóm ngành hưởng lợi từ giá đầu vào và tỷ giá sẽ lên ngôi

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM