Thị trường sữa sẽ ra sao sau khi thuế cắt giảm xuống 0%
Khi thuế cắt giảm về 0%, sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ ASEAN và giá thành sản phẩm có hạ hay không ngoài việc thuế còn phụ thuộc vào chi phí, quy mô kinh doanh sản xuất.
Bộ Tài chính đã công bố các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm trong năm 2018 theo cam kết trong khung khổ 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, giai đoạn từ 2018-2022 nhiều dòng thuế nhập khẩu sẽ về 0%. Theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA), thì tính đến năm 2018 có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% trong đó có nhóm hàng sữa và sản phẩm từ sữa.
Qua số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa luôn tăng trưởng. Cụ thể, trong kỳ 1 của tháng 12/2017 (từ 1/12 đến 15/12/2017) kim ngạch đạt 40.324.354 USD, tăng 17% so với kỳ 2 tháng 11/2017 (từ 16/11 đến 30/11/2017), tính chung từ đầu năm đến ngày 15/12/2017, kim ngạch đạt 827.405.128 USD, tăng 1,09% so với cùng thời gian này năm 2016.
Tính riêng tháng 11/2017, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm đạt 68,6 triệu USD, tăng 11,5% so với tháng 10 – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp – nâng kim ngạch 11 tháng đầu năm 2017 lên 787,6 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhập từ EU chiếm 25,93%, các nước Đông Nam Á chiếm 26,93% và các nước khác (trừ EU-ASEAN) chiếm 48,17%. Việt Nam nhập khẩu sữa chủ yếu từ New Zealand, chiếm 25,9% đạt 204,3 triệu USD, tăng 24,59% so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường Singapore, Đức, Mỹ, Thái Lan và các nước khác.
Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2017 Việt Nam tăng nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường Bỉ, tuy kim ngạch chỉ đạt 5,3 triệu USD, nhưng tăng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa 11 tháng đầu năm 2017
Trong số các nước Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu mạnh, có nhiều thị trường Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lớn, như Trung Quốc, 10 nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Nga… Cụ thể, thuế nhập khẩu sữa từ ASEAN và Nga sẽ về 0% từ 1/1/2018.
Như vậy, sữa trong nước sẽ phải đối mặt và cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ ASEAN, tuy nhiên ngành sữa Việt Nam lại có thế mạnh hơn các nước trong khu vực bởi điều kiện khí hậu lý tưởng hơn hẳn cho việc chăn nuôi bò sữa. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là các quốc gia trong khu vực không có sữa để bán cho Việt Nam. Thay vào đó, các quốc gia trong khu vực có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia và New Zealand và đảm bảo tỷ lệ 40% theo quy tắc xuất xứ giữa các nước ASEAN để được hưởng thuế 0%.
Khi thuế về 0% người tiêu dùng sẽ được mua hàng với giá rẻ, tuy nhiên ngoài việc giảm thuế thì chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, quy mô sản xuất như thế nào là những vấn đề mà doanh nghiệp cân nhắc để hạ giá thành sản phẩm.
Theo Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương, đến năm 2018, tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam trong khu vực ASEAN sẽ đạt 98,2%, con số này gần như ở mức cao nhất nếu như so với các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, ngoại trừ hai Hiệp định thế hệ mới là TPP và EVFTA.