Thị trường ô tô trước sức ép giảm giá do lượng tồn kho quá lớn

12/07/2020 21:02 PM | Kinh doanh

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô – xe máy Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các thành viên VAMA trong 5 tháng đầu năm giảm 34% so với cùng kỳ, xuống còn 79.396 chiếc.

Xe du lịch có doanh số sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 36% khi doanh số bán hàng chỉ đạt 57.261 chiếc. Dịch Covid-19 cũng như tâm lý người mua chờ đợi chính sách giảm phí trước bạ được cho là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Bên cạnh đó, doanh số xe thương mại và xe đặc chủng lần lượt giảm 26% (đạt 21.084 chiếc) và 34% (đạt 1.051 chiếc) cho thấy hiệu ứng của việc các ngành sản xuất và khai thác bị hạn chế do dịch Covid-19.

Tính theo nguồn gốc xuất xứ, đến hết tháng 5/2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra giảm 32% (còn 51.669 chiếc) trong khi xe nhập khẩu giảm mạnh hơn với 38% (còn 31.512 chiếc) so với cùng kỳ năm 2019.

Tính theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 33,1%. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi. Đứng ở vị trí thứ 5 về thị phần (8,1%) là Ford nhờ việc thống lĩnh phân khúc xe bán tải.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua xe chắc chắn sẽ gia tăng nhờ Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 70 được ban hành và có hiệu lực vào 28/6, nhiều hãng xe như Toyota, Honda, TC Motor, Mitsubishi, Mercede-Benz,… đã bỏ chính sách khuyến mãi được áp dụng trong nửa đầu năm 2020, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí bán hàng.

Thị trường ô tô trước sức ép giảm giá do lượng tồn kho quá lớn - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Trước đó, các hãng xe đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi từ việc tặng quà, tặng bảo hiểm, đến hỗ trợ một phần phí trước bạ,… trước áp lực phải thanh lý lượng hàng tồn kho từ năm 2019.

Bên cạnh Nghị định 70, một chính sách quan trọng khác đối với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô là kể từ ngày 10/7/2020, Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt chuẩn sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được.

Ước tính các doanh nghiệp sẽ tiết giảm được khoảng 2-2,5% chi phí sản xuất nhờ chính sách mới này, qua đó hỗ trợ cho việc giảm giá bán và thúc đẩy nhu cầu mua xe của người dân.

Ngoài ra, ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết 31/12/2020. Những chính sách trên sẽ giúp ngành sản xuất và lắp ráp ô tô khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp ô tô còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất đến từ việc cung vượt cầu dẫn đến áp lực thanh lý hàng tồn kho. Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị “sứt mẻ” do phải tăng cạnh tranh giá bán.

Trong 5 tháng đầu năm, ước tính sản lượng xe ô tô lắp ráp của cả nước đạt khoảng 71.669 chiếc, hiện tồn kho 20.000 chiếc (tương đương 28%). Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 36.798 chiếc (86% từ Thái Lan và Indonesia), hiện tồn kho 5.286 chiếc (tương đương 14%). Tổng cộng, hiện cả nước đang có 25.286 chiếc tồn kho, chiếm 23% tổng nguồn cung.

Cùng với đó, lượng xe tồn kho năm 2019 là rất lớn với khoảng 182.000 chiếc (chiếm 36% tổng nguồn cung năm 2019) nên áp lực thanh lý hàng tồn kho là rất cao.

Vì vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới các đại lý phân phối xe ô tô vẫn sẽ phải giảm giá bán các mẫu xe đời 2019 nhằm đẩy hàng cũ và nhập về hàng mới.

Ngoài ra, VDSC cho rằng ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang những phân khúc xe tầm trung và thấp phù hợp với túi tiền thay vì dòng xe sang. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh số bán xe của các hãng xe như Lexus, Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porsche hay Volvo.

Hiền Anh

Cùng chuyên mục
XEM