Thị trường ngày 07/3: Giá dầu bốc hơi 10% sau một đêm, mạnh nhất trong 11 năm

07/03/2020 08:45 AM | Xã hội

Chốt phiên giao dịch cuối tuần giá dầu có phiên giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ khi Nga không đồng ý với đề xuất cắt giảm sản lượng của OPEC để ổn định thị trường. Nhiều hàng hóa khác tiếp tục giảm như đồng, nhôm, quặng sắt, cao su khi lo sợ sự lây lan nhanh chóng của virus corona bên ngoài Trung Quốc.

Dầu có ngày giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ

Dầu thô Brent giảm một ngày mạnh nhất trong hơn 11 năm sau khi Nga không ủng hộ đề xuất cắt giảm sản lượng mạnh của OPEC để ổn định giá và OPEC phản ứng bằng cách loại bỏ các hạn chế đối với sản xuất của họ.

Hơn 1 triệu hợp đồng dầu thô Mỹ được trao tay trong phiên nay, khi hiệp ước 3 năm giữa OPEC và Nga đã kết thúc trong chua chát.

Chốt phiên cuối tuần 6/3, dầu thô Brent có ngày giảm theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng 12/2009, giảm 4,72 USD hay 9,4% xuống 45,27 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ tháng 6/2017. Dầu thô WTI giảm 4,62 USD hay 10,1% xuống 41,28 USD/thùng, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 8/2016 và ngày giảm theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng 11/2014. Cả dầu Brent và WTI đã giảm hơn 30% trong năm nay.

Sự chia rẽ giữa OPEC và Nga đã làm hồi sinh nỗi lo về khủng hoảng giá dầu năm 2014, khi Saudi Arabia và Nga giành thị phần với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn chưa bao giờ tham gia các hiệp ước hạn chế sản lượng.

OPEC đã thúc đẩy cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày cho đến cuối năm 2020. Các quốc gia bên ngoài OPEC dự kiến đóng góp 500.000 thùng/ngày cho việc cắt giảm thêm. Thỏa thuận mới nghĩa là sản lượng hạn chế của OPEC+ lên tới 3,6 triệu thùng/ngày hay khoảng 3,6% nguồn cung toàn cầu.

Các nhà phân tích tại ABN AMRO cho biết "từ ngày 1/4 tất cả các nhà sản xuất dầu được phép sản xuất bao nhiêu tùy thích". Ngân hàng Hà Lan đã cắt giảm 15,5% dự báo giá dầu năm 2020 xuống 49 USD/thùng từ dự báo 58 USD/thùng trước đó. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết sẽ có nhiều cuộc họp không chính thức về việc cắt giảm trong những tuần tới.

Vàng tăng nhẹ

Giá vàng biến động trong phạm vi hơn 1%, giảm từ mức đỉnh 7 năm do các nhà đầu tư bán kim loại quý để đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ khi sự lây lan nhanh chóng của virus corona gây thiệt hại cho các thị trường chứng khoán.

Vàng giao ngay chốt phiên tăng 0,1% lên 1.671,24 USD/ounce, trước đó giá đã chạm mức 1.689,65 USD, cao nhất kể từ tháng 1/2013, nhưng sau đó giảm khoảng 1,4%.

Giá vàng có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2016. Vàng kỳ hạn tháng 4 của Mỹ đóng cửa tăng 0,3% lên 1.672,4 USD/ounce.

Chứng khoán Mỹ sụt giảm và chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 2%, trong khi trái phiếu chính phủ tăng mạnh khi các thương nhân lo lắng về sự suy thoái kinh tế kéo dài.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết sự bùng phát của virus năm 2020 khiến sản lượng toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009.

Đồng, nhôm giảm

Giá đồng, nhôm và các kim loại công nghiệp khác giảm do sự bùng phát của virus corona tiếp tục mở rộng bên ngoài Trung Quốc, đang đe dọa tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ kim loại.

Đồng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa giảm 1,2% xuống 5.607 USD/tấn. Giá kim loại này đã giảm 11% kể từ giữa tháng 1.

Hợp đồng nhôm trên sàn giao dịch Thượng Hải chạm mức thấp nhất trong 41 tháng, giảm khoảng 0,8% xuống 13.020 CNY (1.872,14 USD)/tấn.

Tồn trữ kim loại tại Trung Quốc tăng trong tuần này, nhấn mạnh nhu cầu trì trệ kéo dài tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới trong bối cảnh bùng phát virus corona.

Dự trữ đồng tại Thượng Hải tăng 11,1% so với tuần trước lên 345.126 tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2016.

Dự trữ nickel trên sàn LME tăng lên 236.106 tấn, cao nhất kể từ tháng 9/2018, gấp hơn 3 lần kể từ đầu tháng 12/2019.

Virus corona có thể giảm một nửa tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 1 so với quý trước đó, tác động nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ chỉ trong 3 tuần trước, dấy lên dự đoán về việc cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Quặng sắt đi xuống

Giá quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore giảm do lo sợ về suy thoái kinh tế sâu hơn do sự bùng phát của virus corona, nhưng hy vọng thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã thúc đẩy giá tăng tính trong cả tuần.

Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 2,2% xuống 650 CNY (93,58 USD)/tấn.

Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết mức độ thiệt hại kinh tế sẽ phụ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh, dự đoán ảnh hưởng trên toàn thế giới lên tới 347 tỷ USD hay 0,4% của tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu

Tuy nhiên, bất chấp một tuần biến động, quặng sắt Đại Liên đã tăng 12,1% kể từ khi chạm mức thấp nhất 3 tháng trong ngày 10/2 tại 580 CNY/tấn, do hy vọng Trung Quốc tung thêm kích thích để hỗ trợ nền kinh tế bị tê liệt nhiều tuần bởi dịch bệnh.

Quặng sắt giao ngay 62% tăng ngày thứ 4 liên tiếp lên 91,5 USD/tấn trong ngày 5/3, cao nhất kể từ ngày 24/2, theo số liệu của SteelHome.

Một số nhà máy tại Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc có kế hoạch dừng thêm nhiều cơ sở trong tháng này để tuân thủ các hạn chế sản xuất chống ô nhiễm.

Thép cây trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,9%.

Cao su giảm tuần thứ 2 liên tiếp

Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm hơn 3% trong phiên cuối tuần, và có tuần thứ 2 giảm giá liên tiếp do lo sợ suy giảm kinh tế bởi sự lây lan nhanh chóng của virus corona bên ngoài Trung Quốc.

Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 5,7 JPY hay 3,3% xuống 168,3 JPY (1,59 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá giảm 2,3%.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 220 CNY xuống 10.900 CNY (1.573 USD)/tấn. Dự trữ cao su tại kho của sàn Thượng Hải tăng 0,1% so với thứ sáu tuần trước.

Đường giảm giá

Đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,4 US cent hay 3% xuống 13,02 US cent/lb sau khi xuống thấp nhất 3 tháng tại 12,95 US cent.

Các đại lý lưu ý đợt tăng mạnh của thị trường trong tháng 1 và tháng 2 (khi hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng từ mức thấp năm 2020 tại 13,2 US cent vào ngày 2/1 lên đỉnh 15,29 US cent) hiện đã bị xóa đi do các quỹ thanh lý hợp đồng mua.

Đường trắng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 9,7 USD hay 2,6% xuống 370,3 USD/tấn, trước đó giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 tại 369,5 USD.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 3,95 US cent hay 3,5% xuống 1,074 USD/lb, trong phiên giá đã xuống mức thấp nhất một tuần tại 1,068 USD.

Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục nhận được hỗ trợ từ việc nguồn cung thắt chặt với dự trữ đang giảm trong tuần này.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 29 USD hay 2,3% xuống 1.245 USD/tấn, giá đã xuống 1.215 USD/tấn thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2019.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 07/3

Mặt hàng

ĐVT

Hôm nay

So với hôm qua

So với 1 tuần trước

So với 1 tháng trước

So với 1 năm trước

Dầu WTI

USD/thùng

41,5800

-9,39%

-7,10%

-17,47%

-26,61%

Dầu Brent

USD/thùng

45,4800

-8,91%

-9,98%

-16,56%

-31,40%

Xăng

USD/gallon

1,3788

-7,71%

-0,68%

-9,79%

-23,63%

Vàng

USD/ounce

1,673,65

0,10%

5,61%

6,60%

30,20%

Bạc

USD/ounce

17,3420

-0,80%

4,63%

-2,03%

15,49%

Bạch kim

USD/ounce

900,79

0,00%

4,70%

-6,21%

10,53%

Palađi

USD/ounce

2,566,28

1,35%

-1,04%

10,79%

69,45%

Đậu tương

US cent/bushel

880,2500

-1,01%

-0,21%

-0,18%

-1,18%

Lúa mì

US cent/bushel

518,7500

-1,14%

-1,16%

-7,50%

20,22%

Ngô

US cent/bushel

377,0000

-1,95%

2,75%

-1,76%

5,90%

Sữa

USD/cwt

16,37

0,00%

-3,59%

-4,04%

9,35%

Cao su

JPY/kg

166,70

-2,69%

-0,77%

14,18%

-8,76%

Đường

US cent/lb

13,02

-2,98%

-9,96%

-12,73%

6,90%

Chè

USD/kg

2,32

0,00%

3,11%

-9,38%

-10,08%

Cà phê

US cent/lb

105,60

-3,87%

-4,09%

7,37%

10,81%

Đồng

USD/lb

2,5690

-0,23%

1,05%

0,86%

-11,76%

Nickel

USD/tấn

12.836,00

1,71%

4,30%

-1,09%

-2,43%

Nhôm

USD/tấn

1.720,00

-0,35%

1,78%

-0,98%

-7,73%

Thép

CNY/tấn

3.470,00

-0,09%

2,06%

4,74%

-9,75%

Than đá

USD/tấn

66,27

-1,24%

-0,79%

-5,67%

-28,76%

Quặng sắt

USD/tấn

91,00

1,68%

3,41%

9,64%

4,60%

Theo Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM