Thị trường điện ở các nước trên thế giới đang có mức giá ra sao?

16/08/2020 06:35 AM | Kinh doanh

Theo thống kê của Global Petrol Prices, đến nay Việt Nam vẫn là một trong những nước có giá điện bình quân vào nhóm rẻ của thế giới. Cụ thể, giá điện sinh hoạt hộ gia đình của Việt Nam hiện tại là 0,081 USD/kWh, giá điện sản xuất là 0,077 USD/kWh, trong khi giá điện tương ứng của thế giới là 0,14 USD/kWh và 0,13 USD/kWh.

Đứng top trong bảng xếp hạng giá điện thế giới là các quốc gia như Đức (0,37 USD/kWh), Đan Mạch (0,35 USD/kWh), hay Nhật Bản (0,28 USD/kWh). Việt Nam nằm ở vị trí thứ 47 trong nhóm các nước có giá điện bình quân rẻ nhất thế giới.

Thế nhưng giá điện ở mỗi khu vực, quốc gia lại được tính không giống nhau, một phần do chi phí sản xuất điện chênh lệch, phần khác do chính sách định hướng sử dụng điện của các chính phủ và nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Malaysia - Tính tiền điện theo khung giờ

Tại Malaysia, do đặc thù lãnh thổ của nước này gồm nhiều đảo và quần đảo nên có 3 nhà cung cấp điện cho 3 khu vực khác nhau. Biểu giá điện để tham khảo là của Tenaga Nasional, công ty cung cấp điện cho khu vực Tây Malaysia, nơi có thủ đô Kuala Lumpur.

Quốc gia Đông Nam Á này có cách tính giá điện khá độc đáo: Chính phủ áp thuế với các mức giá khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Malaysia đề ra chính sách này nhằm mục địch khuyến khích người dân sử dụng điện hiệu quả.

Ví dụ: đánh thuế điện vào những giờ cao điểm (từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối). Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng cho khu vực có các nhà máy công nghiệp, nông nghiệp và khai thác, không áp dụng cho khu vực điện hộ gia đình và khu dân cư đông đúc.

Cách tính tiền điện của Malaysia cũng tương tự Việt Nam: chia ra hai nhóm hộ gia đình nhưng dùng định mức 400 kWh/tháng làm mốc.

Với các hộ gia đình ở khu vực Tây Malaysia, sử dụng không quá 400 kWh/tháng, chỉ có 2 bậc thang tính giá điện là 200kWh đầu tiên và kWh thứ 201 đến 400.

Những hộ gia đình sử dụng vượt 400kWh/tháng lại phải chịu cách tính tới 6 bậc thang: 500 kWh đầu tiên, 4 bậc kế tiếp tương ứng mỗi 100 kWh tiếp theo từ kWh thứ 501 đến 900 và cuối cùng là từ kWh thứ 901 trở lên. Ngoài ra, hóa đơn tiền điện tối thiểu mỗi tháng là 3 ringgit dù khách hàng có sử dụng thấp hơn con số này.

Ví dụ, với một gia đình sinh sống tại Kuala Lumpur sử dụng 400 kWh điện mỗi tháng, hóa đơn tiền điện cuối tháng sẽ là 110 ringgit. Nhưng nếu tiêu thụ 500 kWh điện, tháng đó nhà bạn phải trả 143 ringgit. Như vậy, dù chỉ sử dụng thêm 25% lượng điện nhưng khách hàng sẽ phải trả thêm gần 30% giá trị hóa đơn.

Bù lại, giá điện của Malaysia rẻ hơn Việt Nam, chỉ 0,058 USD/kWh (điện hộ gia đình). Điện khu vực sản xuất nước này đắt hơn Việt Nam: 0,103 USD/kWh.

Thị trường điện ở các nước trên thế giới đang có mức giá ra sao? - Ảnh 1.

Tư nhân hóa cao độ ở Thái Lan

Giá điện ở Thái Lan khá cao so với Việt Nam: 0,123 USD/kWh (hộ gia đình) và 0,121 USD/kWh (sản xuất). Ngành điện ở quốc gia này được tư nhân hóa cao độ. Công ty Electricity Generating Authority of Thailand của nhà nước cung cấp 37% sản lượng điện toàn quốc, các công ty điện tư nhân và doanh nghiệp điện nhỏ lẻ khác cung cấp phần còn lại cho quốc gia.

Về mặt kỹ thuật, từ khi bắt đầu mua điện, các hộ gia đình Thái Lan được áp dụng biểu giá nhóm I. Các khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện có các thông số: Dưới 5 Ampe, 200V, 1 pha, 2 dây. Các hộ được áp dụng biểu giá điện nhóm II là các hộ lắp đặt công tơ điện lớn hơn 5 Ampe, 220 V, 1 pha, 2 dây.

Theo đó, tùy thuộc vào việc sử dụng điện của các gia đình sẽ quyết định khách hàng trả tiền theo cách tính nhóm nào. Cụ thể, nếu khách hàng có mức tiêu thụ vượt 150 kWh/tháng trong 3 tháng liên liên tiếp, sẽ được áp dụng biểu giá điện nhóm II cho tháng tiếp theo.

Ngược lại, trong 3 tháng liên tiếp, khách hàng đều sử dụng dưới 150 kWh mỗi tháng sẽ được chuyển về biểu giá nhóm II cho tháng tiếp theo.

Với những hộ được phân loại theo biểu giá nhóm I, sẽ có 7 bậc thang tính giá điện, với bậc 1, áp dụng 15 kWh đầu tiên, bậc thang thứ 7 tính cho kWh thứ 400 trở lên.

Với những hộ được áp giá theo biểu giá điện nhóm II, sẽ có 3 bậc thang giá điện được áp dụng, với 3 bậc định mức: 0 - 150kWh đầu, 151 - 400 kWh, và từ kWh 401 trở lên.

Hong Kong sử dụng giá điện 7 bậc

Tại Hồng Kông, có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ điện cho người tiêu dùng. Trong đó, The Hong Kong Electric Company (Công ty Điện lực Hồng Kông) là công ty đầu tiên và lớn nhất về sản xuất và bán điện tại đây.

Theo cách tính giá của Công ty Điện lực Hồng Kông đã niêm yết, danh sách khách hàng mua điện sinh hoạt được áp dụng tính tiền điện theo 7 bậc giá. Trong đó, bậc 1 được tính cho mức tiêu thụ 150 kWh đầu tiên. Bậc 7 tính cho mức tiêu thụ từ 1.500 kWh trở lên trong tháng. Mức chênh tiền điện giữa bậc thấp nhất và bậc cao nhất là 2,55 lần.

Ngoài khoản tiền trên, các khách hàng phải trả thêm phí nhiên liệu sản xuất được tính mỗi kWh điện. Mức phí này sẽ được điều chỉnh theo sự biến động giá nhiên liệu sản xuất tùy thời điểm.

Ngoài ra, theo quy định, mức hoá đơn tối thiểu mỗi khách hàng phải chi trả cho công ty Điện lực là 14,9 đô la Hồng Kông, dù lượng tiêu thụ thực tế có ít hơn mức này.

Về chính sách ưu đãi, khuyến khích khách hàng tiết kiệm điện, các hộ có mức tiêu thụ điện dưới 100kWh/tháng sẽ được chiết khấu 5% tổng số tiền điện. Ngoài ra, các hộ người già, người tàn tật, neo đơn, người thất nghiệp sẽ được giảm 60% tiền điện từ 200 kWh đầu tiên sử dụng trong tháng và một số ưu đãi khác.

Thị trường điện ở các nước trên thế giới đang có mức giá ra sao? - Ảnh 2.

Nhật Bản: Không dùng điện vẫn phải trả tiền

Tại Nhật Bản, điện được cung cấp bởi Công ty Năng lượng điện Tokyo (TEPCO). Giá điện sinh hoạt tại nước này cũng được áp dụng tương tự cách tính bậc thang ở Việt Nam. Đặc biệt, giá điện ở đây có khoản mục phí cố định. Khách hàng không sử dụng điện vẫn phải trả khoản phí này để duy tu, bảo trì hệ thống điện.

Với những hộ gia đình được phân loại tiêu thụ dưới 120kWh/tháng sẽ tính phí 19,88 Yen/kWh.

Với những hộ sử dụng trên 120kWh/tháng và dưới 300kWh/tháng sẽ tính phí 19,88 Yen/kWh với 120kWh đầu và 26,48 Yen/kWh với số điện sử dụng còn lại.

Với những hộ sử dụng trên 300kWh/tháng sẽ tính phí 19,88 Yen/kWh với 120kWh đầu, 26,48 Yen/kWh với 180kWh sau và 30,57 Yen/kWh với số điện sử dụng còn lại.

Các nước châu Âu: Mỗi nước một kiểu

Giá điện ở Pháp cao hơn hẳn khu vực Đông Nam Á: 0,208 USD/kWh với điện hộ gia đình và 0,139 USD/kWh với khu vực sản xuất.

Khách hàng mua điện ở Pháp luôn được tính tiền điện theo giờ cao - thấp điểm. Giá trong giờ cao điểm chênh lệch 20%. Tuy nhiên, nếu công tơ điện của nhà/công ty có công suất trên 6 KVA, khách hàng cần trả thuê bao mỗi năm là gần 150 USD.

Khác với Pháp, điện ở Thụy Điển cung cấp theo dạng hợp đồng dài hạn hoặc ngắn hạn. Các hợp đồng mua điện dài hạn được ưu đãi giá điện hơn so với những khách hàng ngắn hạn. Ngoài khoản phải trả cho số điện tiêu thụ, khách hàng bắt buộc phải thanh toán phí thuê bao điện thường niên là 25 USD.

Đối với nước Đức – quốc gia có giá điện cao nhất thế giới, theo Hiệp hội các ngành công nghiệp năng lượng và nước của Đức (BDEW), năm 2019, hóa đơn tiền điện trung bình hàng tháng cho một hộ gia đình Đức (gồm 3 người, với mức tiêu thụ hàng tháng là 3.500 Kwh) là 88,7 Euro (2,3 triệu VNĐ).

Nguyên nhân Đức có giá điện cao như vậy là do nước này đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng nguyên tử sang các nguồn năng lượng tái tạo. Và tất nhiên, quá trình này đòi hỏi chi phí rất lớn - phụ thuộc vào việc đóng thuế của người dân và doanh nghiệp.

Thị trường điện ở các nước trên thế giới đang có mức giá ra sao? - Ảnh 3.

Dân Đức sẽ lựa chọn một trong các nhà cung cấp năng lượng ở khu vực sinh sống, sau đó ký hợp đồng sử dụng dịch vụ, có thể đồng thời hoặc tách riêng phần điện sinh hoạt và năng lượng sưởi ấm. Trước khi ký hợp đồng, công ty điện lực sẽ báo giá khởi điểm giá điện hàng tháng, dựa trên địa chỉ, diện tích, kiểu nhà và số người sinh sống. Từ đó, công ty này sẽ ước lượng theo công thức chung về lượng năng lượng hộ gia đình đó sẽ sử dụng trong 1 năm.

Mức giá bình dân là khoảng 88,7 Euro/tháng (2,3 triệu VND). Như vậy, số tiền điện có thể phải đóng cho năm đầu tiên là 1064 Euro (hơn 27 triệu VND). Bất kể dùng ít hay nhiều, đơn giá vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, sau năm đầu tiên, công ty điện lực sẽ đến kiểm tra số lượng điện năng thực tế mà các hộ gia đình đã sử dụng. Nếu số điện năng dùng ít hơn ước tính ban đầu, thì sẽ được trả lại khoản tiền thu cao hơn trước đó. Đồng thời, tiền điện mỗi tháng sẽ được tính dưới mức 88,7 Euro.

Trong trường hợp người dân dùng nhiều hơn số lượng ước tính ban đầu, họ sẽ phải đóng bù tiền và năm tiếp theo đóng nhiều hơn 88,7 Euro/tháng.

Ngoài hóa đơn tiền điện thông thường, người dân Đức còn đóng thêm hóa đơn điện sưởi ấm (Warmmiete). Các lò sưởi hiện đại ở Đức được thiết kế dưới dạng lò sưởi nước. Tức là dùng điện năng đun nước nóng, sau đó hệ thống sẽ bơm nước vào tòa nhà để sưởi ấm (thường vào mùa lạnh).

Người dân sẽ chọn đơn vị cung cấp và kí hợp đồng sử dụng dịch vụ nước nóng. Thường ở các thành phố lớn có thể nhận nước nóng từ hệ thống của thành phố. Những khu nhà ngoại ô thì có máy đun nước riêng, chạy bằng gas hoặc điện. Tuy theo các yếu tố, tiền Warmmiete có thể từ 50-200 euro/tháng (1,3 – 5,2 triệu VND)

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM