Thí điểm dạy tiếng Nhật, Hàn, Đức: Chúng ta tìm đâu ra giáo viên?

22/09/2016 08:32 AM | Xã hội

“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng chỉ đào tạo ngành sư phạm Tiếng Anh, Tiếng Trung và tiếng Pháp mà không hề có tiếng Nhật, Hàn hay tiếng Đức. Vậy chúng ta tìm đâu ra giáo viên có chuyên môn?”, một giáo viên chia sẻ.

“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng chỉ đào tạo ngành sư phạm Tiếng Anh , Tiếng Trung và tiếng Pháp mà không hề có tiếng Nhật, Hàn hay tiếng Đức. Vậy chúng ta tìm đâu ra giáo viên có chuyên môn?”, một giáo viên chia sẻ.

Vừa qua, đề xuất cho học sinh học thí điểm các tiếng Đức, Nhật, Pháp, Trung như ngôn ngữ thứ hai của Bộ GD&ĐT đã gây ra không ít ý kiến trái chiều. Điều mà nhiều người băn khoăn nhất là chúng ta tìm đâu ra giáo viên tiếng Đức, Hàn, Nhật để dạy cho học sinh?

Chia sẻ về vấn đề này, cô Ngô Thùy Chi – giáo viên dạy Tiếng Anh cho hay: “Mặc dù chỉ là đề xuất nhưng nếu Bộ GD&ĐT muốn thí điểm dạy Tiếng Pháp, Nhật, Hàn, Đức và Trung Quốc cho học sinh thì cũng nên có những cân nhắc kỹ lưỡng. Cũng không nên dạy thí điểm cho học sinh ngay từ năm học 2016 - 2017. Bởi lẽ, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu giáo viên “trầm trọng”.

Hiện tại, chỉ có ĐH Quốc gia và ĐH Hà Nội đào tạo những thứ tiếng như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng quan trọng là họ đào tạo với số lượng rất nhỏ với mục đích sinh viên ra trường sẽ học cao học và làm giảng viên tại trường này hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của Học viện Ngoại Giao chứ không đào tạo sinh viên học các tiếng trên để về dạy cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Ngay cả trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cái nôi đào tạo giáo viên cho tương lai cũng chỉ đào tạo sư phạm Tiếng Anh và sư phạm tiếng Pháp. Hay ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng chỉ đào tạo hai ngành sư phạm Tiếng Anh và sư phạm Tiếng Trung mà không hề có tiếng Nhật, Hàn hay tiếng Đức. Quá trình đào tạo cũng chủ yếu hướng tới mục tiêu để dạy cho học sinh THCS và THPT mà không có học sinh tiểu học.

Vậy không hiểu để thực hiện thí điểm thì chúng ta tìm đâu ra giáo viên để dạy các tiếng như tiếng Hàn, Nhật và Trung cho học sinh. Hoặc nếu có tìm được thì đó có phải là giáo viên được đào tạo bài bản, có năng lực và nghiệp vụ sư phạm chuẩn hay không?”.

Đồng tình với quan điểm trên, một phụ huynh có con đang học lớp 4 trường THCS Khương Thượng cho hay: “Tôi được biết, năm nay trường THCS Khương Thượng sẽ thí điểm dạy tiếng Nhật cho học sinh từ lớp 3. Quan điểm của tôi là Bộ nên nghiên cứu kỹ trước khi cho vận hành thí điểm.

Bởi lẽ, học sinh không phải những con chuột bạch để các nhà khoa học thích thì mang ra thí điểm, thấy không hợp lý thì lại bỏ đi. Bản thân tôi cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm lớn từ bé mà cho tới giờ trình độ tiếng Anh của con vẫn còn “bập bõm”.

Đó là chưa kể chương trình học của các cháu hiện giờ quá nặng, cả tuần dường như con không có ngày nghỉ. Nếu giờ cho các cháu học Tiếng Nhật nữa thì không hiểu kiến thức các cháu “chứa” vào đâu được nữa.

Đặc thù công việc tôi rất hay đi công tác nước ngoài và tôi nhận thấy, hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất mà dường như tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng.

Tôi định hướng sẽ cho con đi du học nên tìm hiểu trước về các thủ tục, ngay cả điều kiện quyết định con có được đi du học hay không cũng là nhờ các chứng chỉ Tiếng Anh. Vậy chúng ta cho học sinh học các thứ tiếng khác có quá lãng phí cả thời gian và tiền bạc?

Hơn nữa, chồng tôi làm trong Hội đồng Anh (tổ chức hợp tác văn hóa giáo dục của vương quốc Anh) nên tôi hiểu rõ hiện nay rất ít trường đào tạo các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Hoặc nếu có, để đào tạo giáo viên có năng lực sư phạm thực sự cũng mất vài năm.

Vậy, những giáo viên tham gia dạy thí điểm các môn như: Tiếng Đức, Pháp, Hàn... chúng ta tìm ở đâu? Họ có được đào tạo để dạy học sinh tiểu học, THCS và THPT không?”.

Bộ GD&ĐT đã đề xuất xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3 tới lớp 12 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ dạy và học trong trường phổ thông.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua. Năm học 2016-2017, Bộ sẽ cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM.

Tiếng Hàn, tiếng Pháp được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Năm học này, tiếng Hàn được thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP HCM.

Theo Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM