Theo Economist: Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến "con bò sữa" Vinamilk

16/10/2016 10:42 AM | Kinh doanh

Vinamilk có thể là thương hiệu hàng tiêu dùng quen thuộc nhất ở Việt Nam nhưng đồng thời công ty cũng đang ngày càng được biết là doanh nghiệp điều hành tốt nhất trong nước.

Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40, Vinamilk, công ty sữa lớn nhất Việt Nam dựng một đoạn phim quảng cáo với dàn đồng ca trẻ em cất cao tiếng hát từ một trong những toà nhà cao nhất Việt Nam.

Trên thực tế, thay vì hát một ca khúc tự ngợi ca chính mình, Vinamilk chọn bài hát về khát vọng bay cao như với những ẩn ý thể hiện trong nội dung bài hát. Vinamilk có thể là thương hiệu hàng tiêu dùng quen thuộc nhất ở Việt Nam nhưng đồng thời công ty cũng đang ngày càng được biết là doanh nghiệp điều hành tốt nhất trong nước. Trong hơn một thập kỷ, lợi nhuận của Vinamilk đã tăng trưởng hơn 30% mỗi năm.

Chính vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc 9% cổ phần sở hữu nhà nước của Vinamilk sẽ được bán ra trong năm nay. Đây chính là đợt chào bán cổ phần nhà nước đầu tiên của Vinamilk sau khi chính phủ thông báo sẽ bán hết 45% cổ phần của Vinamilk đang do nhà nước sở hữu. Đây cũng là một trong số những doanh nghiệp lớn được thông báo sẽ thoái vốn hoàn toàn cổ phần của nhà nước. Hai công ty còn lại bao gồm công ty bia Habeco và Sabeco.

Sau nhiều năm chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ một số ít cổ phần, chính phủ Việt Nam cuối cùng cũng đã nới lỏng các chính sách với các nhà đầu tư ngoại.

Vinamilk hiện đang đáp ứng phần lớn nhu cầu hàng ngày đối với các sản phẩm sữa tại Việt Nam trong đó bao gồm 4/5 thị phần sữa đặc có đường (phần lớn được sử dụng để pha chế cà phê). Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 420 triệu USD trên tổng doanh thu 1,8 tỷ USD. Không dừng ở đó, cơ hội tăng trưởng của Vinamilk vẫn còn rất lớn. Với mức tăng trưởng kinh tế hiện đang ở mức hơn 6%, nhưng hiện nay tỷ lệ uống sữa tại quốc gia 93 triệu dân vẫn thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện sở khoảng một nửa cổ phần của Vinamilk (tỷ lệ cao bất thường) với giá trị vốn hoá thị trường hơn 9 tỷ USD. Hứng thú của nhà đầu tư ngoại cũng một phần bắt nguồn từ người lãnh đạo của Vinamilk. Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên trong 23 năm, Vinamilk luôn tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và có bước tăng trưởng rực rỡ trong lúc nhiều doanh nghiệp Việt khác lại rơi vào trì trệ. Hiện Vinamilk đang muốn đầu tư nhiều hơn vào các liên doanh ngước ngoài, với những thương vụ đầu tiên tại Mỹ, Ba Lan, Campuchia và New Zealand. Tuy nhiên, công ty vẫn nhắm đến mở rộng thị trường sữa nguyên liệu ngay tại Việt Nam, các trang trại sữa ở đây vẫn còn khá khiêm tốn.

Một trong những cổ đông chiến lược sắp tới của Vinamilk có thể là ThaiBev, đế chế nước giải khát này bày tỏ quan tâm đặc biệt đến công ty do mạng lưới phân phối khổng lồ của Vinamilk. ThaiBev hiện đã sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk thông qua một công ty con, Fraser and Neave, nhưng vẫn muốn mua thêm. Các doanh nghiệp Thái Lan hiện đang đổ xô vào Việt Nam do tiềm năng trên thị trường hàng tiêu dùng tại quốc gia láng giềng trong lúc kinh tế trong nước có dấu hiệu suy thoái. Vào tháng 12 năm ngoái, một công ty bia khác của Thái là Singha cho biết đang bơm hơn 1 tỷ USD vào Masan Group, tập đoàn đứng đầu về hàng tiêu dùng tại Việt Nam bên cạnh các hoạt động khai thác khoáng sản và ngân hàng.

ThaiBev cũng có thể nằm trong 6 công ty bia đang để mắt đến cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại Sabeco và Habeco, vốn sẽ được bán ra vào cuối năm tới. Sản xuất bia rượu và đồ uống tại Việt Nam hiện đang tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm và có thể tăng lên 25% vào năm 2020. Sabeco và Habeco hiện nắm giữ 3/5 thị phần bia trong nước. Việc bán 90% cổ phần nhà nước tại Sabeco và 82% cổ phần Habeco dự kiến sẽ thu về 2 tỷ USD. Khoản tiền này sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án hạ tầng cũng như kiềm chế nợ quốc gia, vốn gần chạm hạn mức 65%.

Tuy nhiên, việc thoái vốn hoàn toàn của chính phủ cũng không tránh khỏi một số ý kiến nghi ngại. Nhiều người tiêu dùng lo sợ việc bán cổ phần sắp tới cho nước ngoài sẽ xoá sổ những thương hiệu nội địa được yêu thích (mặc dù điều này khó có thể xảy ra).

Bên cạnh đó là những ý kiến cho rằng việc tạo ra “những cổ phiếu vàng” có thể sẽ giúp nhà nước tiếp tục duy trì ảnh hưởng đối với doanh nghiệp ngay cả khi đã hoàn toàn thoái vốn. Nhưng trái với các đợt bán cổ phần trước, lần này chính phủ đã thông báo kế hoạch thoái vốn tại những tập toàn lớn một cách dứt khoát đi kèm với lộ trình hoàn toàn rõ ràng.

Theo Nhật Linh

Cùng chuyên mục
XEM